Làng đào Xuân Sơn rộn ràng đón Tết

Tuấn Anh|21/01/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Khi “nhịp phách” ca trù ngân lên giữa muôn ánh mắt của tao nhân mặt khách, cũng là lúc người dân xã Cổ Đạm (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) gấp rút hoàn thành những khâu cắt tỉa cuối cùng để chuẩn bị cho hoa đào nở đúng dịp Tết.

Trong hoa đào có tiếng ca trù

Theo người dân ở xã Cổ Đạm kể lại, ngày xưa dưới chân núi Hồng Lĩnh, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có một chàng trai tên là Đinh Lễ vốn học rộng tài cao nhưng không màng công danh khoa cử mà chỉ thích ngao du sơn thủy với tiếng hát cây đàn.

Có lần chàng đi sâu vào núi Ngàn Hống gặp được hai vị tên là Lã Đồng Tân và Lý Thiết Quài, được tiên ông cho một mẩu gỗ ngô đồng và bản vẽ cây đàn. Về nhà, chàng theo mẫu làm thành cây đàn gọi là đàn đáy, khi cất lên, cây hoa, chim, cá cùng ngơ ngẩn lắng nghe.
Sau đó, người dân xã Cổ Đạm phát hiện được một loài cây lạ ở dưới chân núi Hồng Lĩnh, đến mùa Xuân nở hoa rất đẹp. Người dân ở đây nói vui với nhau rằng, vì tiếng đàn đáy của chàng Đinh Lễ quá thần kì nên cây đào đã phải mọc lên khỏi mặt đất để thưởng thức trọn vẹn tiếng đàn của chàng.

Để tưởng nhớ đến cặp vợ chồng Đinh Lễ – Bạch Hoa làm nên cái nôi ca trù, người dân xã Cổ Đạm đã lập đền thờ, phong làm tổ sư của ca trù. Đồng thời mang loài cây lạ này về đất Cổ Đạm để trồng, về sau người dân đặt tên là cây đào.

Ngày nay, cây đào không những trở thành biểu tượng cho ngày Tết cổ truyền, mà còn giúp cho đời sống của người dân xã Cổ Đạm ngày càng đi lên, nhiều gia đình đã “ăn nên làm ra” từ trồng đào, giúp ổn định cuộc sống.

Làng hoa đào Xuân Sơn vào vụ Tết

Người dân hối hả cắt tỉa, bón phân cây đào để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán 2020.

Có mặt tại xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh những ngày này không khác gì ngày hội, người dân hối hả cắt tỉa, bón phân cây đào để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán 2020. Là một trong những vùng trồng đào nổi tiếng ở xã Cổ Đạm. Thôn Xuân Sơn đang dần xây dựng được thương hiệu trồng đào của mình, cây đào được trồng ở thôn đây có kiểu dáng đẹp, đỗ hoa đúng mùa, chính vì vậy rất được thực khách quan tâm.

Được biết, thôn Xuân Sơn hiện có gần 2/3 hộ dân trồng đào, và họ xem đây là loại cây trồng chủ lực, cho thu nhập kinh tế cao. Đến thăm mô hình trồng đào ở thôn Xuân Sơn, chúng tôi bất ngờ với những vườn đào bạt ngàn, có hệ thống tưới tiêu công phu, khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây đẹp, bắt mắt.

Điển hình là mô hình trồng đào của hộ gia đình ông Nguyễn Công Minh ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm. Ông Minh cho biết: “Mô hình trồng đào của tôi hiện nay có khoảng 400 gốc, chủ yếu phục vụ cho ngày tết, trung bình mỗi gốc tôi bán cho khách từ 1 đến 3 triệu đồng. Riêng năm ngoái, tôi đã bán gần 200 gốc với giá gần 400 triệu đồng. Với 400 gốc năm nay, nếu trúng mùa hoa tôi dự tính sẽ bán được trên 500 triệu đồng”.

“Đây là khoảng thời gian quan trọng nhất trong quá trình trồng đào, để hoa đào nở đúng dịp tết thì người trồng cần am hiểu về kĩ thuật, cắt tỉa đúng thời điểm. Mặt khác, vấn đề về thời tiết cũng góp phần để hoa đào có nở đúng dịp tết hay không ; hy vọng năm nay, thời tiết sẽ thuận lợi cho hoa đào nở trúng vụ xuân” – Ông Minh cho biết thêm.

Theo người dân sống ở đây cho biết, những ngày gần Tết có rất nhiều khách hàng về đây để đặt mua. Đây là giai đoạn cuối cùng để giúp đào ra hoa nên người dân đang rất gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng.

Làng hoa đào Xuân Sơn nhộn nhịp vào vụ Tết

Ông Hoàng Ngọc An – Một khách hàng cho hay: “Tôi người ở TP.Vinh, thường qua thôn Xuân Sơn để mua đào đón Tết. Với tôi, có đào thì có Tết, năm nay sợ cháy hàng nên hôm nay tôi đã xuống sớm để đặt trước. Tôi đã đặt được một cây ở nhà ông Lệ, hình dáng, màu da đào được trồng ở đây rất đẹp, hoa nở trúng vụ Tết nữa”.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng đào, ông Nguyễn Công Thành – Người trồng đào lâu năm ở thôn Xuân Sơn cho hay: “Muốn cây đào phát triển tốt thì đầu tiên phải chọn được loại giống tốt, đất trồng phù hợp, bên cạnh đó cũng cần am hiểu sâu về kĩ thuật, chẳng hạn như: cắt sửa cành, tưới bón, hãm cây, tuốt lá, hãm thúc thời gian ra hoa,…Cây đào phải được trồng chỗ có đủ ánh sáng, đủ nguồn dinh dưỡng, khoảng cách hàng cách hàng, cây cách cây là 1,5m. Sau khi trồng 2 năm, cây bắt đầu cho hoa và có thể bán cho khách”.

Được biết, trước đây Xuân Sơn nằm trong danh sách thôn khó khăn của xã Cổ Đạm. Nhưng từ khi người dân đưa cây đào về trồng thì đã có những bước đi tiến triển trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Hằng năm, mỗi gia đình trồng đào thu nhập trung bình 100 triệu đồng/ năm.

Có thu nhập ổn định, người dân thôn Xuân Sơn đã tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây đào, tham gia các lớp học chăm sóc cây cảnh do xã, huyện tổ chức để tiếp tục mở rộng quy mô.
Ông Nguyễn Công Lệ – Người dân thôn Xuân Sơn cho hay: “Người dân chúng tôi trước đây chủ yếu trồng trọt, vất vả lắm. Nhưng từ khi trồng đào, khách mua đông nên dân chúng tôi đã tập trung vào trồng. Nói chung là từ ngày đào bán được thì cuộc sống người dân được cải thiện lên rất nhiều, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đây cũng là một biểu trưng cho làng chúng tôi”.

“Để cây đào nở đúng dịp Tết và có thế đẹp, độc, lạ, người dân phải chăm sóc, ghép cành, uốn cành rất kì công, phân bón cũng phải hợp lý. Vì vậy, nên người trồng cũng cần phải khéo tay, có kĩ thuật trồng thì đào mới trúng hoa được. Tôi rất hy vọng mùa đào năm nay sẽ trúng đậm ” – Ông Lệ cho biết thêm.

Cây đào ở làng đào Xuân Sơn có kiểu dáng đẹp, đậu hoa đúng mùa

Nói về hướng phát triển làng đào Xuân Sơn, ông Nguyễn Thái Tứ – Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm chia sẻ: “Hiện tại xã đang vận động người dân để xây dựng vườn kiểu mẫu. Nói về kinh tế, đào đang cho thu nhập ổn định, giúp đời sống người dân ngày càng đi lên. Kế hoạch của xã là xây dựng loại hình dịch vụ, ngoài cho thu nhập kinh tế thì đây là điểm đến cho du khách tham quan trong và ngoài Tết. Để phát triển hơn nữa, xã sẽ tiếp tục vận động bà con ở thôn Xuân Sơn và thôn Kẻ Lạt chuyển sang trồng cây đào, vì đây là 2 vùng đất phù hợp cho việc trồng đào”.

Ông Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Làng đào Xuân Sơn đã góp phần xây dựng quê hương, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Trồng đào không những tạo nên không gia yên bình mà còn thân thiện với môi trường, đặc biệt là lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của xã Cổ Đạm”.

Đến hẹn lại lên, hy vọng bằng những kinh nghiệm sản xuất được tích lũy cùng với niềm đam mê, sự sáng tạo của những người trồng đào, các chủ vườn sẽ có thêm một vụ đào thắng lợi, mang sắc xuân, đem đến cái tết đầy cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Khi “nhịp phách” ca trù ngân lên giữa muôn ánh mắt của tao nhân mặt khách, cũng là lúc người dân xã Cổ Đạm (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) gấp rút hoàn thành những khâu cắt tỉa cuối cùng để chuẩn bị cho hoa đào nở đúng dịp Tết.

Tuấn Anh

Bài liên quan
  • Cách chọn đào, quất đẹp chơi Tết
    Moitruong.net.vn – Để giảm đến mức thấp nhất mức độ ô nhiễm, nhất là ô nhiễm không khí, cùng với thực thi các chính sách trước đó, Hà Nội tiếp tục ban hành nhiều quy định mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng đào Xuân Sơn rộn ràng đón Tết