Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024: Hào khí Đông A-Tiếng vọng ngàn năm

Thái Bình|21/02/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thái Bình là vùng đất phát tích, hưng nghiệp của vương triều Trần, là nơi vua Trần Thái Tông sinh ra, gia tộc nhà Trần gây dựng cơ nghiệp. Hàng năm, Lễ hội đền Trần được Nhân dân xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, Thái Bình) tổ chức nhằm tri ân công đức của các vị vua triều Trần.

Về nơi phát tích vương triều Trần

Lịch sử Việt Nam ghi nhận, vương triều nhà Trần tồn tại trong lịch sử Việt Nam với 14 đời vua, kéo dài và tỏa sáng 175 năm.

Đây là triều đại phát triển rực rỡ nhất trong tiến trình lịch sử phong kiến Việt Nam với 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh, làm nên hào khí Đông A.

Vương triều Trần với nhiều vị vua anh minh như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều danh tướng kiệt xuất như: Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư...

den-tran-thai-binh.jpg
Phối cảnh sân khấu sự kiện khai mạc Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024. 

Thái Bình là vùng đất phát tích, hưng nghiệp của vương triều Trần, là nơi vua Trần Thái Tông sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây mà gây dựng cơ nghiệp. Các vua Trần đã cho xây dựng hành cung Long Hưng, hành cung Lỗ Giang để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam Đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần.

Đền Trần và Thái Đường Lăng tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, Thái Bình) là đất phát nghiệp, nơi đặt mộ tổ, các vua, hoàng hậu và công chúa Nhà Trần, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu di tích lịch sử quốc gia.

Hàng năm, tại đền Trần, người dân thường tổ chức lễ hội từ ngày 13 - 18 tháng Giêng để tri ân công đức các vị vua Trần; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ.

Lễ hội đền Trần Thái Bình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014; khu di tích lịch sử lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần ở xã Tiến Đức được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Những năm trước, lễ hội do UBND huyện Hưng Hà tổ chức nhưng bắt đầu từ năm 2023, sự kiện này được tổ chức quy mô cấp tỉnh, gắn với tôn vinh lễ hội đền Trần là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần


Lễ hội Đền Trần Thái Bình 2024 sẽ diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 22/2 - 26/2, tức ngày 13 – 17 tháng Giêng âm lịch) tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Đây là lần thứ hai Thái Bình quyết định tổ chức Lễ hội Đền Trần ở quy mô cấp tỉnh nhằm tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần; tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hiện các công tác chuẩn bị cho Lễ hội đền Trần Thái Bình 2024 đã hoàn tất.

Phần lễ sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ tế mở cửa đền; Lễ dâng hương tại Khu lăng mộ các vua Trần; Lễ rước nước thủy bộ. Điểm nhấn trong Lễ hội đền Trần là lễ khai mạc và lễ bái yết được tổ chức trang trọng vào tối 22/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch) tại sân tòa Tiền tế, Trung tế thuộc đền Va.

Dự kiến Lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 sẽ diễn ra trong khoảng 80 phút trên một sân khấu hoành tráng, do họa sỹ Trịnh Hải Nam thiết kế. Lễ khai mạc do đạo diễn Phạm Bá Linh làm tổng đạo diễn cùng với ekip sản xuất hàng đầu - bao gồm Đại tá nhà văn Sương Nguyệt Minh, NSND Đỗ Quốc Hưng, NSUT Phan Lương, nhạc sỹ Kiên Ninh cùng sự góp mặt của dàn nghệ sỹ chuyên nghiệp như ca sỹ Tân Nhàn, NSUT Lương Huy, nhóm Dòng Thời Gian, vũ đoàn PL, và MC VTV Mỹ Lan - Đại Dương, sẽ mang đến một đêm khai mạc lễ hội đậm dấu ấn Đền Trần Thái Bình không thể quên.

Điểm nhấn của sự kiện khai mạc lễ hội Đền Trần Thái Bình năm 2024 là màn trình chiếu ánh sáng 3D-Mapping với chủ đề “Hào khí Đông A-Tiếng vọng ngàn năm". Với Công Nghệ 3D Mapping đỉnh cao, màn trình diễn 3D mapping sống động trực tiếp trên mái Đền Trần, huyện Hưng Hà - Thái Bình, sẽ tái hiện những trận đánh oanh liệt, hứa hẹn một trải nghiệm nghệ thuật mãn nhãn và đầy cảm xúc.

Tiếp đó là diễn văn khai mạc, nổi trống khai hội, dâng chúc văn bái yết, dâng hương, màn pháo hoa nghệ thuật và kết thúc là chương trình văn nghệ đặc sắc.

Phần hội sẽ có 15 hoạt động phong phú như: Thi cỗ cá, thi têm trầu cánh phượng, thi pháo đất, thi gói bánh chưng, thi vật cầu, thi kéo lửa thổi cơm, tổ chức Ngày thơ Việt Nam, giao lưu các Câu lạc bộ Chèo, tổ chức triển lãm mỹ thuật…

Để chuẩn bị chu đáo cho Lễ hội lớn trong năm, tỉnh Thái Bình thành lập Ban chỉ đạo tổ chức Lễ hội; Ban tổ chức Lễ hội; thành lập 4 tiểu ban gồm: Tiểu ban nội dung, Tiểu ban tuyên truyền, Tiểu ban hậu cần và Tiểu ban an ninh trật tự.

Thông qua các hoạt động lễ hội, tỉnh Thái Bình đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho các thế hệ và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản gắn với thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2024: Hào khí Đông A-Tiếng vọng ngàn năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.