Liên hợp quốc cảnh báo vấn nạn khai thác cát quá mức trên toàn cầu

Hồng Tú|07/09/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công bố báo cáo cho biết, khoảng 6 tỷ tấn cát đang được khai thác từ biển và đại dương trên thế giới mỗi năm. Theo đó, việc khai thác quá mức tài nguyên cát sẽ gây hại cho môi trường.

Trong sự kiện ra mắt nền tảng dữ liệu toàn cầu đầu tiên về khai thác trầm tích trong môi trường biển, UNEP cho biết khoảng 6 tỷ tấn cát đang được khai thác từ biển và đại dương trên thế giới mỗi năm, không khác nào "máy hút bụi khổng lồ" và loại bỏ tất cả vi sinh vật là thức ăn cho các loài sinh vật biển địa phương, qua đó tác động mạnh đa dạng sinh học, nghề cá và những cộng đồng ven biển vốn đang đối mặt với bão và tình trạng nước biển dâng.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, hoạt động khai thác cát ồ ạt ở nhiều nơi trên thế giới đang làm mất đi lượng cát khổng lồ và gây ra những tác động cực kỳ lớn đối với hệ sinh thái.

khai-thac-cat.jpg
Khai thác cát quá mức gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: BASF

Tổ chức này nhấn mạnh, việc nạo vét cát không khác gì máy hút bụi khổng lồ và loai bỏ tất cả các vi sinh vật là thức ăn cho các loài sinh vật biển địa phương, qua đó tác động mạnh đa dạng sinh học và nghề cá.

Dù đến nay số cát khai thác vẫn ít hơn lượng cát tích tụ hằng năm trên toàn thế giới, nhưng ở một số khu vực, lượng cát bị nạo vét đang vượt quá tốc độ có thể bù đắp. Chương trình môi trường Liên hợp quốc khẳng định cát hiện đóng vai trò năng động và là một phần của hệ sinh thái.

Ông Pascal Peduzzi, thành viên Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, theo quan sát và thống kê của nền tảng Marine Sand Watch, mỗi năm, toàn thế giới khai thác khoảng 50 tỷ tấn cát, "tương đương với một bức tường cao 10 mét và rộng 10 mét được xây dựng xung quanh đường xích đạo". Trong tổng số này, khoảng từ 10-16 tỷ tấn cát lấy lên từ đáy sông. Quy mô nạo vét cát từ đại dương và biển bằng tàu chuyên dụng, dù cho đến nay vẫn chưa được biết đến, nhưng cũng ước đạt từ 4-8 tỷ tấn.

Cát là nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều thứ hai trên thế giới, không còn có thể chỉ là một loại vật liệu thông thường nữa, mà có thể coi là một nguồn tài nguyên chiến lược.

Trong khi cát khai thác từ các mỏ trên đất liền có thể phục hồi ở mức độ nào đó, việc khai thác cát và vật liệu khác từ môi trường sông và biển sẽ làm thay đổi hình dạng sông hoặc bờ biển. Những con tàu nạo vét giống như máy hút bụi khổng lồ dưới đáy biển. Tất cả vi sinh vật trong cát đều bị nghiền nát và không còn gì sót lại. Nếu lấy hết cát và chỉ còn lại nền đá trơ trọi thì sẽ không phục hồi được. Nhưng nếu để lại 30 - 50 cm thì nó sẽ hồi phục.

Điều này càng đúng hơn khi xét đến biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó. Cát sẽ rất cần thiết để đối phó với mực nước biển dâng cao, bão và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng như tua-bin gió hoặc tấm pin mặt trời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc cảnh báo vấn nạn khai thác cát quá mức trên toàn cầu