Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ Châu Phi chống biến đổi khí hậu

Tô Anh|06/09/2023 13:39
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Châu Phi đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, song lục địa này chỉ nhận được khoảng 12% ngân sách cần thiết để đối phó với các thiên tai.

Ngày 5/9, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber nhận định thế giới đang chậm chân trong cuộc đua đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Châu Phi hiện chiếm chưa đến 4% lượng khí phát thải toàn cầu, nhưng lại phải hứng chịu nhiều tác động tồi tệ như nắng nóng cực đoan, lũ lụt dữ dội cũng như hàng chục nghìn người tử vong do hạn hán nghiêm trọng. Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi các nước phát triển, đặc biệt nhóm G20 dự kiến họp thượng đỉnh tại Ấn Độ trong tuần này, cần thực hiện trách nhiệm của mình.

chau-phi.jpg
Châu Phi đang hứng chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu

Theo các nhà nghiên cứu, Châu Phi đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, song lục địa này chỉ nhận được khoảng 12% ngân sách cần thiết để đối phó với các thiên tai. Do đó, ông kêu gọi cần có sự thay đổi trong cơ cấu hỗ trợ tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên mới.

Phát biểu họp báo ngay sau đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi tạo ra gói kích thích tài chính trị giá 500 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư cho người dân và phát triển các hệ thống cần thiết nhằm đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Cũng theo ông Guterres, Châu Phi có khả năng để trở thành siêu cường năng lượng tái tạo.

Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh công bằng và hợp lý - đồng thời hỗ trợ sự phát triển rộng rãi hơn trên khắp Châu Phi - đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là đảm bảo một cơ chế giảm nợ hiệu quả, hỗ trợ việc tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Ông Guterres cũng kêu gọi tái cấp vốn và thay đổi mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để họ có thể tận dụng tối đa nguồn tài chính tư nhân nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng nền kinh tế thực sự bền vững.

Tại hội nghị, Chủ tịch COP28 đồng thời là Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE, ông Al Jaber nêu rõ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã cam kết đầu tư 4,5 tỷ USD nhằm đến năm 2030, có thể tạo ra 15 GW năng lượng sạch tại Châu Phi. Khoản tiền trên sẽ là chất xúc tác giúp huy động thêm ít nhất 12,5 tỷ USD từ các nguồn tư nhân, công và các tổ chức đa phương.

Tại COP28 dự kiến diễn ra Dubai, UAE vào cuối tháng 11 tới, lãnh đạo các quốc gia Châu Phi có kế hoạch thúc đẩy việc mở rộng quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), qua đó có thể tiếp cận nguồn ngân sách cho khí hậu trị giá 500 tỷ USD.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ Châu Phi chống biến đổi khí hậu