Lũ lụt khiến Bangladesh mất 1,1 triệu tấn gạo, thiệt hại hàng trăm triệu USD
Lũ lụt ở Bangladesh đã phá hủy ước tính khoảng 1,1 triệu tấn gạo, khiến đất nước này phải đẩy mạnh nhập khẩu loại lương thực chủ lực này trong bối cảnh giá thực phẩm đang tăng cao.
Các đợt lũ lụt do mưa gió mùa lớn và dòng nước chảy xiết từ thượng nguồn đã tàn phá đất nước qua Bangladesh, cướp đi ít nhất 75 sinh mạng và ảnh hưởng đến hàng triệu người, đặc biệt là ở các vùng phía đông và phía bắc, nơi thiệt hại về mùa màng là nghiêm trọng nhất.
Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Bangladesh, lũ lụt đã phá hủy ước tính khoảng 1,1 triệu tấn gạo. Để đối phó, nước này đang nhanh chóng nhập khẩu 500.000 tấn gạo và dự kiến sẽ sớm cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu.
Lũ lụt cũng đã gây thiệt hại nặng nề cho các sản phẩm nông nghiệp khác, bao gồm hơn 200.000 tấn rau quả. Tổng thiệt hại về nông nghiệp trên toàn quốc do lũ lụt ước tính khoảng 45 tỷ taka (tương đương 380 triệu USD).
Trước đó, Viện Ngân hàng Thế giới vào năm 2015 đã ước tính rằng 3,5 triệu người ở Bangladesh đang có nguy cơ hứng chịu lũ lụt hàng năm, một rủi ro mà các nhà khoa học cho biết đang ngày càng tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu toàn cầu. Trận lũ lụt vừa qua một lần nữa nhấn mạnh sự dễ tổn thương của Bangladesh trước biến đổi khí hậu.
Bangladesh là quốc gia sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, thường sản xuất gần 40 triệu tấn gạo mỗi năm để nuôi sống dân số 170 triệu người. Tuy nhiên, thiên tai thường làm gián đoạn sản xuất và khiến nước này phải tăng cường nhập khẩu. Việc Bangladesh tăng cường nhập khẩu có thể làm tăng xuất khẩu từ nước láng giềng Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.