Luật xa rời thực tiễn, trách nhiệm người đặt bút ký ở đâu?

Quỳnh Anh|31/08/2019 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Có những văn bản quy phạm pháp luật mà chưa cần ngẫm nghĩ, chớm đọc lên đã làm nhiều người phì cười bởi sự viển vông, xa rời thực tiễn.

Có những luật vừa ra đời, chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi… Tuy nhiên, điều nguy hiểm theo cách nói của một vị chuyên gia là với cách làm luật không tuân thủ đúng quy định như hiện tại, những ”Văn bản quy phạm pháp luật trên trời” ấy đang xuất hiện ngày một nhiều. Hậu quả không chỉ đơn thuần là tiền bạc mà còn gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm giảm tính pháp lý của văn bản, gây khó khăn cho công tác điều hành và thực hiện.

Luật còn nhiều bất cập: “Khổ dân, khổ doanh nghiệp”

Cuối năm 2018, cái tên Nguyễn Cà Rê bất ngờ nổi tiếng theo cách không hề mong muốn. Người đàn ông 38 tuổi, làm nghề thợ điện ở Cần Thơ ra tiệm vàng gần nhà đổi 100 USD để lấy 2,26 triệu đồng. Ngay lập tức, lực lượng chức năng Cần Thơ ập vào bắt quả tang, tịch thu hơn 2 triệu đồng cầm chưa ấm tay của của người đàn ông nọ, kèm theo “trát” phạt 90 triệu đồng.

Lật sách soi chiếu quy định, ai cũng thừa nhận, quyết định xử phạt của lực lượng chức năng Cần Thơ không sai. Thế nhưng, vụ việc khiến nhiều người ngã ngửa vì, hóa ra từ trước tới nay, quy định của Việt Nam lại “cứng” đến như thế.Câu chuyện của anh chàng thợ điện đã làm nóng nghị trường Quốc hội thời điểm ấy. Thậm chí, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải cảm thán: “Cái gì chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ.”

Ngược dòng thời gian, có thể kể ra nhiều hơn thế, như dự thảo vòng ngực trung bình dưới 72 cm… không được cấp bằng lái xe cho xe máy trên 50cc; chỉ được tổ chức đám cưới khi có giấy kết hôn; cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C; xử phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng… Hay gần đây, nhiều doanh nghiệp đang giở khóc giờ cười với quy định về giờ làm thêm bị bó hẹp. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quy định về khung giờ làm thêm hiện hành chưa phù hợp với doanh nghiệp thủy sản.

Đó chỉ là một vài minh chứng cho thấy, không ít văn bản quy phạm pháp luật đang quá xa rời thực tế hay không muốn nói “trên trời”. Hậu quả của là doanh nghiệp điêu đứng và gặp nhiều tổn thất, hoạt động sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều khó khăn. Người lao động hoang mang do hoạt động doanh nghiệp bị trì trệ. Còn người dân bị “nhiễu” thông tin và nhiều khi phải vất vả “chạy” theo những quy định “bất khả thi”. Nói về hậu quả, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo, vấn đề không chỉ là tiền bạc mà còn làm giảm uy tín của bộ máy Nhà nước. “Người dân sẽ đặt ra câu hỏi, quy định mới ra đời có lặp lại sai lầm hay không?”, ông Doanh cảnh báo.

Chuyên gia luật cũng hoang mang

Nhìn lại loạt quy định trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, nguyên nhân của tình trạng này là do các quy định đưa ra thiếu thực tiễn, bất hợp lý màkhông có hội đồng thẩm định, phản biện một cách nghiêm túc.Thêm vào đó, tình trạng chạy theo thành tích, cố làm cho xong việc hoặc vì cục bộ ngành đã dẫn đến việc chú trọng ban hành các văn bản có lợi cho ngành, lĩnh vực mình quản lý. Để rút ngắn thời gian, nhiều văn bản luật không tuân thủ quy trình/thời gian soạn thảo, không đạt được sự đồng thuận và gây nhiều tranh cãi giữa các bên liên quan (giữa doanh nghiệp/người dân và cơ quan soạn thảo, bản thân giữa các thành viên của Chính phủ và Quốc hội) khiến những quy định này không mang tính thực tiễn, khó thực thi và không phù hợp với thực tế hoạt động doanh nghiệp.

Về vấn đề này, trả lời báo chí, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, thực tế cho thấy công tác soạn thảo, lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật ở một số cơ quan, tổ chức còn có những hạn chế nhất định. Nhiều dự thảo văn bản mới chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, hầu như chưa lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Việc gửi dự thảo văn bản xin ý kiến cũng thường chậm, thời gian ngắn, không đủ để những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm nghiên cứu và đóng góp ý kiến. Do đó, trong nhiều trường hợp, nội dung, chất lượng của các ý kiến còn hạn chế, góp ý sơ sài, nặng về câu chữ, kỹ thuật trình bày văn bản mà chưa tập trung nhiều vào các nội dung của dự thảo văn bản.

Trước thực trạng như hiện tại, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico phải thừa nhận, chính ông “là chuyên gia hàng mấy chục năm nhưng vẫn hoang mang khi giở luật.” Ông ví von, cách làm luật hiện nay là “vô tội vạ, mạnh ai nấy làm” và đáng buồn là căn bệnh này ngày một trầm trọng. Vấn đề theo ông là “lỗi hệ thống” và một trong những điều quan trọng là “năng lực của người làm luật.”

Luật sư Trương Thanh Đức nhắc tới chuyện đã 8 năm tính từ khi Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt và và 3 năm phê duyệt chương trình sữa học đường. Thế nhưng, tới tận bây giờ, tiêu chuẩn thế nào là sữa học đường vẫn biệt tăm.Hay, việc sửa nghị định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đã được nâng lên đặt xuống tới 10 lần nhưng tới nay vẫn chưa biết con số cuối cùng là bao nhiêu.Vấn đề theo ông là “làm không có chuyên môn, chỉ đạo không sâu sát, chủ nghĩa thành tích.”

Làm cách nào nâng cao chất lượng của các Văn bản Luật?

Căn cứ theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật hiện hành, để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi khi đưa vào đời sống, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ theo đúng quy trình và được thực hiện theo cácbước bắt buộc. Ví dụ, xây dựng và ban hành luật bao gồm hai giai đoạn chính. Trước tiên,Chính phủ đề xuất danh sách các luật vào chương trình xây dựng luật và trình Quốc hội phê duyệt. Bước tiếp theo, Chính phủ chuẩn bị dự thảo luật, lấy ý kiến góp ý và sau đó trình Quốc hội thảo luận và thông qua. Quá trình này cần thực thi nghiêm ngặt và đảm bảo đúng trình tự theo quy định để đem lại sự minh bạch cũng như tính chặt chẽ của các Văn bản Quy phạm Pháp luật.

Việc tuân thủ đúng quy trình ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật là điều quan trọng nhất để xây dựng hệ thống pháp luật công bằng, minh bạch, gắn liền với thực tiễn xã hội. Trong đó, việc lấy ý kiến các nhóm đối tượng chịu tác động là bước đi tất yếu để luật không xa rời cuộc sống, thúc đầy nền kinh tế xã hội phát triển.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong quá trình xin ý kiến, nếu là những quy định có tính chất chuyên ngành mà người dân không có kiến thức chuyên môn, không góp ý được thì cơ quan soạn thảo phải xin ý kiến các hiệp hội, ngành hàng lĩnh vực đó và có thể tổ chức hội thảo một cách nghiêm túc. Trước khi ban hành văn bản pháp luật, các cơ quan soạn thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo luật còn mang tính hình thức, ý kiến đóng góp cũng chưa thật sự được tiếp nhận đầy đủ, thực tâm.

Ngoài ra, cần có những quy định nghiêm ngặt về quy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ đối với người thực thi phát luật, không đúng là sử phạt nghiêm minh, không bao che. Vì cán bộ tuân thủ đúng pháp luật thì người dân sẽ bị tác động và tuân theo. “Nhiều nước quy định anh sai anh phải bán cả nhà để bồi thường, nếu không thì vào tù thì nước ta không quy định trách nhiệm như vậy. Đó là vấn đề cần rút kinh nghiệm”, Tiến sĩ Doanh cũng chia sẻ thêm.

Quỳnh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Luật xa rời thực tiễn, trách nhiệm người đặt bút ký ở đâu?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.