Tại Thái Nguyên, từ ngày 9 đến ngày 11/9, mưa lớn kéo dài gây ra tình trạng lụt lội tại thành phố Thái Nguyên. Nhiều điểm ngập sâu khiến các phương tiện, người dân gặp nhiều khó khăn trong di chuyển. Nhiều trường học đã ra thông báo cho học sinh nghỉ học. Một số nơi mưa lớn kỷ lục như: Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) 248mm; hồ Núi Cốc (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) 150mm; xã Túc Tranh (huyện Phú Lương, Thái Nguyên) 151mm; Điềm Mặc (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) 117mm.
Mưa lớn tại Thái Nguyên đã làm 3 người tử vong. Phó chủ tịch UBND phường Tân Lập (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ông Nguyễn Hồng Thuận cho biết, mưa to đã làm một bức tường cạnh lán xây dựng bị đổ sập, đè chết 3 người, 1 người bị thương. Cả 3 nạn nhân đều là thợ xây cho một gia đình ở phường Tân Lập.
Còn tại Hà Giang, theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh thì trong đêm 9 và ngày 10/9 đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng cục bộ ở một số địa phương, làm thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của nhân dân.
Lũ dâng cắt đứt nhiều tuyến đường ở Hà Giang
Theo bà Phan Thị Minh – Chủ tịch UBND huyện Yên Minh: Mưa lớn làm trên 300 ngôi nhà bị ngập, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân ở thị trấn Yên Minh và các xã Mậu Duệ, Ngam La, Đông Minh. Mưa lớn cũng khiến gần 100 ha lúa của xã Mậu Duệ và thị trấn Yên Minh bị ngập úng, thiệt hại. Nước lũ cũng đã làm hỏng một số cầu điện và 2 cây cầu dân sinh, gây ngập úng 8 điểm trường trên địa bàn. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng bị sạt lở đất, với tổng khối lượng hàng nghìn mét khối khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn. Ngay sau khi nước rút, lãnh đạo huyện Yên Minh đã chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND các xã, thị trấn khẩn trương khắc phục hậu quả; sử dụng máy móc san ủi điểm sạt lở thông các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt.
Đây là trận mưa gây ngập úng, thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn huyện Yên Minh. Theo ông Nguyễn Đức Mạnh – Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải Hà Giang, tính đến chiều ngày 11/9, trên tất cả các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ách tắc giao thông do mưa lũ, Sở Giao thông Vận tải Hà Giang đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với đơn vị thi công tích cực khắc phục sự cố đảm bảo giao thông thông suốt.
Trước đó, từ đêm 9 đến sáng 11/9, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp phát triển nên trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các địa phương của Hà Giang ước tính gần 7 tỷ đồng. Báo cáo nhanh của Sở Giao thông Vận tải Hà Giang nêu rõ, chỉ tính từ ngày 9 đến ngày 11/9, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ như: Đường Cột cờ Quốc gia Lũng Cú; tuyến đường Quốc lộ 4C từ thành phố Hà Giang đi 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc; tỉnh lộ 176 đoạn đường tránh Quốc lộ 4C qua thị trấn Yên Minh; tuyến đường từ huyện Bắc Quang đi huyện Xín Mần; tuyến đường Vĩnh Tuy – Yên Bình, đường Minh Ngọc – Mậu Duệ, đường Yên Minh – Mậu Duệ – Mèo Vạc… Nhiều đoạn đã sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá tràn xuống mặt đường giao thông khiến người dân, các phương tiện đi lại gặp rất nhiều khó khăn.
Sở Giao thông Vận tải Hà Giang đã chỉ đạo Công ty cổ phần Đường bộ I và Công ty cổ phần Đường bộ II huy động nhân lực, thiết bị máy móc hót, gạt đất trên mặt đường. Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh Hà Giang trời vẫn mưa vừa, có nơi mưa to, thời tiết tiếp tục có diễn biến bất thường.
Tại Tuyên Quang, từ 9 giờ sáng đến trưa ngày 11/9, mưa lớn đã gây lũ trên các suối, làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân. Ngày 10/9, trong lúc đi qua cầu tràn Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), anh Hoàng Văn Trinh và vợ là Hoàng Thị Thủy (cùng SN 1972) cùng con gái 7 tuổi đã bị nước cuốn trôi.
Mưa lớn cũng xuất hiện tại nhiều địa phương của Bắc Kạn. Đặc biệt, mưa kèm giông sét đã làm 4 người bị thương. Cụ thể, ngày 10/9, tại huyện Chợ Đồn, sét đánh khiến 3 người trong gia đình ông Dương Văn Ky (thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc) bị thương. Trong đó, 2 người bị thương nặng là chị Dương Thị Mơ (23 tuổi) và cháu Thào Anh Vũ (4 tuổi), cả hai đã được đưa đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Còn tại huyện Pác Nặm, sét đánh làm 1 người bị thương là bà Sùng Thị Khu, 47 tuổi, trú tại thôn Khâu Phảng, xã Bộc Bố, được người nhà đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm. Sét thường xuất hiện trước, trong, thậm chí cả sau cơn mưa. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét.
Mai Anh (T/h)