Mưa lớn kèm lốc xoáy ở Thái Nguyên: Thiệt hại nhiều về tài sản, 1 người tử vong
Thời tiết cực đoan tiếp tục gây ảnh hưởng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc. Riêng tại Thái Nguyên, một trận mưa giông lớn vào chiều 19/7 đã gây ra lốc xoáy, khiến 1 người tử vong và hàng trăm ngôi nhà hư hỏng nặng.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lượng mưa phổ biến ghi nhận từ 10 đến 30 mm. Tuy nhiên, một số khu vực như Cúc Đường, La Hiên, Lương Bằng và Văn Hán đã hứng chịu mưa to với lượng từ 50 đến trên 70 mm chỉ trong khoảng thời gian từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 19/7.
Mưa lớn kéo dài cùng với giông lốc mạnh đã làm tốc mái hàng trăm ngôi nhà, gây đổ gãy nhiều cây xanh và cột điện, ảnh hưởng đến hệ thống thông tin liên lạc và một số công trình công cộng.

Thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Nguyên tính đến 6 giờ sáng ngày 20/7 cho thấy, thiên tai đã khiến 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó:
Một hộ dân tại xã Nam Cường phải di dời khẩn cấp do sạt lở đất tràn vào nhà, 268 ngôi nhà bị tốc mái do gió lốc, 1 nhà bị sét đánh, 6 nhà trọ bị tốc mái.
Mưa giông cũng gây thiệt hại cho 13 chuồng trại, 10 trường học, 8 nhà bếp, 3 nhà văn hóa bị tốc mái, hư hỏng.40 cột điện bị gãy đổ, 1 cột viễn thông, 80 m tường rào bị đổ, 4 loa truyền thanh bị hư hỏng và nhiều thiệt hại nhỏ khác.
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại để tổng hợp báo cáo và có phương án hỗ trợ kịp thời.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Lực lượng tại chỗ được huy động khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp hiện trường, sửa chữa nhà cửa và khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Các địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương.
Các sở, ngành chức năng cũng đã nhanh chóng vào cuộc, tập trung theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra, rà soát hệ thống công trình phòng, chống thiên tai, hồ chứa, đê điều, đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống điện, viễn thông và hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân.
Công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro được đẩy mạnh nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa và chủ động ứng phó với thiên tai trong cộng đồng.