Mực nước về Đồng bằng sông Cửu Long thấp kỷ lục trong vòng 10 năm

Hoàng Anh (t/h)|08/10/2020 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do mưa lũ ở thượng nguồn sông Mê Công ít, nước từ sông Mê Công đổ về hệ thống sông Cửu Long khan thiếu, nên năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn (KTTV) quốc gia cho biết, mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Tổng lượng mưa trên toàn lưu vực ở mức thấp hơn so với TBNN. Dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ đầu mùa lũ đến nay ở mức rất thấp so với TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2015, 2019.

Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ, lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công vẫn tiếp tục bị sụt giảm.

Dự báo dòng chảy từ sông Mekong tới Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc (tỉnh An Giang) vào đầu tháng 10/2020 sẽ duy trì ở mức khoảng 16.000 m3/s; tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này dự kiến chỉ đạt khoảng 68% trung bình nhiều năm và tương đương với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ trên sông mà nguồn nước mặt cũng bị thiếu hụt. Hiện tại, mực nước cao nhất vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN từ 1,15-2m và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,05-1,65m.

Năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua

Về diễn biến mực nước và dòng chảy trong nửa cuối tháng 9/2020, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết lượng mưa trong khu vực đã tăng lên do hoàn lưu bão số 5 và do đó lần đầu tiên trong năm nay đã ghi nhận tổng lượng mưa hạ lưu vực sông Mekong đạt mức trung bình nhiều năm.

Số liệu quan trắc tại trạm Chiềng Sẻn (là trạm đầu tiên của hệ thống quan trắc thủy văn của Ủy hội sông Mekong quốc tế nhằm giám sát dòng chảy từ Trung Quốc xả về hạ du) cho thấy mực nước hầu như không tăng, cao hơn mực nước cùng kỳ năm 2019 khoảng 1m, nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1m và vẫn còn thấp hơn mực nước báo động lũ cấp 1 khoảng 8m.

Do đó, tổng lượng dòng chảy qua trạm Chiềng Sẻn đạt khoảng 2,9 tỷ m3, tương đương với 76% giá trị trung bình nhiều năm.

Số liệu quan trắc tại trạm Kra-chê (Campuchia) cũng cho thấy một đợt lũ nhỏ do ảnh hưởng của bão số 5 từ ngày 18/9 đã làm cho mực nước nhanh chóng đạt đỉnh khoảng 16m và sau đó giảm dần nhưng vẫn thấp hơn mức nước lũ báo động lũ cấp 1 khoảng 7,5m. Do lưu lượng tăng, tổng lượng dòng chảy cuối tháng 9/2020 đạt 22,5 tỷ m3, nhưng vẫn chỉ đạt khoảng 53% so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10, chậm khoảng ba tuần và thấp hơn giá trị đỉnh lũ TBNN khoảng 5.000 m3/s; và sau đó sẽ giảm nhanh.

Theo đánh giá sơ bộ, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% TBNN (thiếu khoảng 130 tỷ m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%.

Như vậy, về tổng lượng nước lũ, năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua.

Hoàng Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mực nước về Đồng bằng sông Cửu Long thấp kỷ lục trong vòng 10 năm