Na Uy đa tạo ra một hệ thống cực kỳ thân thiện và hiệu quả để tái chế các chai nhựa. Theo đó, hệ thống này đã giúp Na Uy đạt tỷ lệ tái chế chai nhựa lên tới 97%. Trong số còn lại, chỉ có 1% lọt ra môi trường. Cần lưu ý, 92% chai nhựa sản xuất tại Na Uy được làm từ vật liệu chất lượng cao, nên có thể tiếp tục được dùng để sản xuất chai uống nước. Vì vậy, cùng một khối lượng nguyên liệu, người Na Uy có thể tái sử dụng đến hơn 50 lần.
Ảnh minh họa
Đây là một con số cực kỳ ấn tượng nếu như bạn biết rằng 91% rác nhựa trên thế giới không được tái chế, và có đến 8 triệu tấn rác nhựa lọt ra ngoài đại dương mỗi năm. Riêng tại Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ khoảng 30%. Tại Anh, con số vào khoảng 20% – 45%.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có một số nước xử lý rác thải hiệu quả, phải kể đến là đất nước Thụy Điển – quốc gia ở Bắc Âu này đã xử lý rác hiệu quả đến mức cần phải nhập khẩu rác để sử dụng, với tỷ lệ tái chế lên đến 99%. Ngoài ra, Đức, Áo, Bỉ… cũng là những đất nước có tỷ lệ tái chế rác cực cao.
Điều này đồng nghĩa với việc Na Uy đang đi trước 10 năm so với các nước EU trong việc thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa lên tới 90% vào năm 2029.
Bí quyết giúp Na Uy có được bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là nhờ áp dụng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống “đặt cọc,” theo đó các khách hàng sẽ phải trả thêm một chút tiền gọi là khoản đặt cọc khi mua đồ uống đóng chai nhựa và sẽ được hoàn lại khoản tiền này khi trả vỏ chai.
Khái niệm trả lại vỏ chai tại Na Uy giờ đây là trở nên phổ biến đến mức có riêng một động từ mới mô tả hoạt động này bằng tiếng Na Uy – đó là “Pante.”
Trong năm 2019, tại Na Uy ghi nhận hơn 1,1 tỷ chai nhựa và vỏ lon được trả lại tại các điểm tập kết tại siêu thị, trạm xăng và các cửa hàng nhỏ. Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF), mỗi phút trên thế giới có khoảng 15 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Minh Anh (t/h)