Ảnh minh họa
Việt Nam: bão, lũ càn quét khủng
Số liệu của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho thấy, thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai. Trong đó, bao gồm: 6 cơn bão, 5 cơn áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 12 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại.
Thiên tai từ đầu năm đến nay đã làm 175 người chết và mất tích, 105 người bị thương. Đồng thời, đã làm 1.682 nhà bị đổ, sập và 31.238 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 44.094 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, 214.416 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 24.323 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 26.590 con gia súc và 450.851 con gia cầm bị chết; 11.114 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại.
Đối với các công trình thủy lợi và giao thông, thiên tai đã làm hơn 332,82 km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt; hơn 55,6 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 8,4 triệu m3 đất đá đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt.
Các trận lũ, lũ quét, sạt lở đất từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8 năm 2018 tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu,… đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính trên 5.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ khoảng tuần cuối tháng 7/2018, ở thượng nguồn sông Mê Kông liên tục xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 300-1.000mm, một số điểm cao hơn 1.000mm. Mực nước cao nhất ngày 3/9/2018 tại Tân Châu là 4,03m (trên BĐ2: 0,03m), tại Châu Đốc 3,57m (trên BĐ2: 0,07m).
Tính chung, từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại về kinh tế do ảnh hưởng của thiên tai ước tính trên 12.356 tỷ đồng.
Hàn Quốc, Nhật Bản lao đao vì bão
Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông Hàn Quốc cho biết nhiều chuyến bay tại các sân bay nước này đã bị hủy bỏ do bão Kong-rey. Tính đến sáng 6-10, có tổng cộng 276 chuyến bay, trong đó có 123 chuyến từ sân bay quốc tế Jeju, miền Nam Hàn Quốc, bị buộc phải hủy bỏ, trong khi các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc và Nhật Bản cũng bị hoãn.
Hiện Cơ quan khí tượng Hàn Quốc đã ban bố cảnh báo bão đối với hầu hết khu vực miền Nam Hàn Quốc, cũng như cảnh báo mưa to tại khu vực thủ đô Seoul.
Đêm 5-10, bão Kong-rey hoành hành tại khu vực phía Nam Nhật Bản, gây mưa lớn và gió giật trên diện rộng, khiến ít nhất 10 người bị thương, 1.000 gia đình sống trong cảnh mất điện và khoảng 200 chuyến bay nội địa phải hủy.
Trong thông tin về sóng thần tại Sulawesi, giới chức Indonesia cho biết có khả năng hơn 1.000 người vẫn mất tích.
Nhiều thành phố có thể bị nhấn chìm
Theo báo cáo của Christian Aid, Jakarta của Indonesia đang bị lún 25cm mỗi năm; Bangkok của Thái Lan, Houston của Mỹ và Thượng Hải, Trung Quốc, đang có nguy cơ bị ngập trong vài thập niên tới do nhiều nguyên nhân kết hợp như quy hoạch kém, siêu bão tàn phá và mực nước biển dâng.
Thành phố Jakarta với 10 triệu dân, nằm ở vị trí giao cắt của 13 con sông, một nửa dân số thiếu nước sinh hoạt nên nhiều người đã tự đào giếng để lấy nước. Hành động này gây áp lực lớn hơn lên nền đất. Trong khi đó, tại Houston, nỗ lực cung cấp đủ nước sinh hoạt cho số dân đang ngày càng tăng cũng là nguyên nhân khiến thành phố này bị lún và sớm bị nhấn chìm.
Nhiều thành phố lớn trên thế giới đang phát triển hiện nay rất dễ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu, do đó những khu vực đô thị này cần được hỗ trợ để thích nghi với tình trạng khí hậu cực đoan. Có ý kiến cho rằng, dù các nước có nỗ lực để hạn chế nhiệt độ trái đất tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ này, thì các thành phố ven biển vẫn bị ảnh hưởng nặng nề vì mực nước biển toàn cầu vẫn có thể tăng thêm 0,5m.
Minh An (T/h)