Qua tuyên truyền sẽ thay đổi nhận thức, hành vi, thái độ của mỗi người và của cả xã hội theo hướng thân thiện với môi trường. Tuyên truyền ở nước ta là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng thuộc về lực lượng báo chí.
Tầm quan trọng của truyền thông với bảo vệ môi trường
Lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là chủ đề lớn và nóng của đời sống xã hội nói chung và đời sống báo chí nói riêng cũng sự quan tâm dõi theo thường nhật của cộng đồng xã hội. Theo đó, có thời điểm, gần như tất cả cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đều đề cập chung đến một sự kiện, một hoạt động nổi bật của ngành. Điển hình như một văn bản luật được ban hành là sự đón nhận của rất nhiều tổ chức, cá nhân; một cơn bão có hướng đi phức tạp, tình hình thời tiết bất thường… thu hút sự quan tâm của hàng triệu con tim, thậm chí của cả hệ thống chính trị.
Nghị quyết số 41/NQ-TW về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường là giải pháp hàng đầu. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cho cộng đồng; đồng thời lên án nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường… tăng cường giáo dục đạo đức môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Điều này, một lần nữa đã được khẳng định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vừa mới được ban hành gần đây.
Thể hiện vai trò của mình, báo chí đã nỗ lực thực hiện chuyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua. Hàng trăm sự kiện với hàng nghìn tin, bài được các cơ quan thông tấn đăng tải xoay quanh các sự kiện vì môi trường như: Chiến dịch Giờ Trái đất: Tiết kiệm điện trong 60 phút tắt đèn, Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới,... hay tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, ô nhiễm từ chất bảo vệ thực vật… đã từng bước làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân, mỗi tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và nêu cao trách nhiệm của mình nói riêng. Ngoài ra, các sự kiện môi trường, các vụ việc gây ô nhiễm của các công ty xả thải trái phép hay câu chuyện xung quanh khu tập kết rác thải luôn là điểm nóng. Môi trường trở thành mảng đề tài được nhiều nhà báo, phóng viên quan tâm, khai thác.
Công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao và triển khai sâu rộng tại hầu hết các Bộ, ngành và các địa phương. Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đều có văn bản điều hành, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trên cả nước thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường, ban hành kế hoạch, đề cương tuyên truyền.
Bên cạnh đó, công tác đăng tải tin, bài nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường luôn được các cơ quan thông tấn đặc biệt quan tâm. Có thể thấy, về chủ đề môi trường, các báo, tạp chí đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; thông tin về các sự cố, hiện tượng môi trường, biến đổi khí hậu; tuyên truyền hoạt động thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước; tuyên truyền việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; thông tin, tuyên truyền về các kịch bản biến đổi khí hậu và các hệ quả của nó ở Việt Nam cũng như trên thế giới; tuyên truyền về các kết quả nghiên cứu khoa học, các dự báo, cảnh báo liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thông tin về các sự kiện, phong trào, cuộc vận động về bảo vệ môi trường; các chương trình, dự án tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phản ánh, phản biện các vi phạm về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; biểu dương những điển hình trong công tác bảo vệ môi trường, thông tin về những biện pháp để bảo vệ môi trường trong sản xuất và đời sống; chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng kinh nghiệm địa phương trong thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nỗ lực vì một Việt Nam xanh
Tuy vậy, những nhà báo, phóng viên môi trường vẫn gặp phải nhiều thách thức như, áp lực thương mại của báo chí, áp lực kinh tế của người viết, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường. Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường cần có bộ phận chuyên trách có chuyên môn hợp tác với báo chí trong cung cấp thông tin, xử lý thông tin một cách chuyên nghiệp… và hơn hết là việc thực hiện các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cho báo chí… Vượt lên trên những thách thức, cùng sự quan tâm, ủng hộ đặc biệt từ các tổ chức, cá nhân những nhà báo, phóng viên môi trường vẫn hăng say với công cuộc truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường tới mọi người dân.
Những thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo nên sức ép của dư luận đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Điển hình những năm qua, vai trò của báo chí được thể hiện rất rõ qua vụ việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường về: Vụ xả thải ở Fomusa, vấn đề ô nhiễm kênh Ba Bò, vụ án hình sự đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà…. báo chí phản ánh với các cơ quan quản lý Nhà nước xử lý những sai phạm của doanh nghiệp, tổ chức.
Những minh chứng đó đã khẳng định, báo chí là phương tiện tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức, cơ chế chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường đến với từng người dân, các tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng xã hội. Đồng thời, báo chí góp phần tuyên truyền, cổ vũ các gương điển hình tiên tiến, nhân tố mới có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, cần sự chung tay và nhiệt tâm của cả cộng đồng xã hội, nhân loại trên toàn cầu, là trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Do vậy, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.