Nâng cao ý thức và vai trò cộng đồng trong gìn giữ môi trường biển đảo

Minh Trang|02/02/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân chính do con người đổ rác thải ra biển, đặc biệt là rác thải nhựa, gây hại đối với hệ sinh thái và nguồn tài nguyên sinh vật biển.

Môi trường biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là nơi tích lũy nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, trong đó có đa dạng sinh học (hệ sinh thái, thành phần loài sinh vật, nguồn gene) là một trong những nền tảng cho cuộc sống của con người. Tuy vậy, ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng.

Do đó, giữ gìn môi trường biển đảo là trách nhiệm không chỉ của mỗi cá nhân mà cả cộng đồng.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm con người thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó có 80 triệu tấn trôi ra các đại dương; 80% rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu có nguồn gốc hoạt động trên đất liền.

Ước tính đến năm 2050 có đến 12 tỉ tấn rác thải nhựa sẽ làm ô nhiễm đại dương.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tại vùng biển Việt Nam, hiện rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần thải ra môi trường đang là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển – đảo gần bờ và cả xa bờ.

Ô nhiễm môi trường do rác thải, rác thải nhựa không những làm mất đi vẻ đẹp vốn có của cảnh quan trên bờ và cảnh quan ven biển, mà còn là nguyên nhân tác động xấu làm suy giảm các chất khoáng của đất, tàn phá hệ sinh thái tự nhiên ven biển, hải đảo; làm nghèo kiệt các loài sinh vật sống ven biển, các rạn san hô, các bãi cỏ biển, đồng thời gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân sống ven biển, kể cả khách du lịch.

Rác thải nhựa dùng một lần tràn lan ra vùng ven biển và ra biển dẫn đến các loài cá, tôm… ăn phải rác thải và rồi chính con người lại ăn các hải sản đó. Điều đó dẫn đến nguy cơ con người mắc phải các bệnh tiêu hóa, hô hấp, thậm chí là ung thư.

Theo ước tính, mỗi một hộ gia đình Việt Nam nói chung và vùng ven biển nói riêng mỗi tháng sử dụng khoảng 1kg túi nilon, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh số lượng có thể nhiều hơn.

Nguồn thải rác thải nhựa ở các vùng ven biển và đại dương chủ yếu đến từ đất liền đổ ra biển theo các cửa sông. Bên cạnh đó, các mảnh vụn nhựa từ các dòng hải lưu, từ bao bì thực phẩm bằng nhựa mà khách du lịch, cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng ven biển vứt bỏ cũng trôi dạt ra biển.

Ngoài ra, rác thải nhựa, kể cả các mảnh lưới đánh cá bị vứt bỏ trên các cây rừng ngập mặn, lâu ngày cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự khỏe mạnh của thực vật rừng, động vật sống trong rừng ngập mặn, làm xấu cảnh quan ven biển, làm ảnh hưởng đến rạn san hô, thảm cỏ biển.

Tác hại nạn ô nhiễm môi trường trên đất liền cũng như ở vùng biển của Việt Nam đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là sự nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường, sức khỏe của cộng đồng nên rất cần sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong phòng chống rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng.

Đặc biệt là việc hưởng ứng một cách chủ động, tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách của Đảng, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chống rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần.

Chung tay gìn giữ môi trường biển đảo, Ảnh minh họa

Các biện pháp nâng cao ý thức từng người dân và cộng đồng

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng Nguyễn Thu Huệ cho biết, vai trò của cộng đồng trong phòng chống rác thải nói chung và rác thải nhựa ra biển nói riêng là rất quan trọng.

Theo GS.TS Đặng Huy Huỳnh, để nâng cao ý thức của mỗi người dân cũng như cộng đồng trong phòng chống rác thải, rác thải nhựa ra biển, cần thực hiện 7 giải pháp chính.

Trước hết, cộng đồng cần hưởng ứng tích cực phong trào chống rác thải nhựa mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động tại Hà Nội ngày 9/6/2019, nhằm góp phần ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường trên đất liền, vùng ven biển do rác thải nhựa, túi nilon.

Tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Khơi dậy lòng tự hào không chỉ có các cảnh quan biển đảo đẹp, thơ mộng của mỗi vùng mà còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh vật biển, làm nền tảng phát huy sức mạnh của toàn thể nhân dân sống, mưu sinh vùng ven biển, kể cả khách du lịch.

Cần kết nối với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tập trung phát triển kinh tế, khai thác sử dụng thông minh các dạng tài nguyên biển, bảo vệ bờ biển xanh, sạch, không có rác thải, rác thải nhựa dùng một lần.

Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn những hành vi khai thác, sử dụng bừa bãi tài nguyên biển, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường biển bởi các công nghệ lạc hậu (đánh mìn, kích điện, các loại lưới có kích cỡ nhỏ), khai thác cạn kiện các loài sinh vật biển.

Phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội trong việc nâng cao ý thức giữ gìn môi trường biển luôn sạch đẹp, nhất là các cộng đồng sinh sống ven biển.

Thực tế là không ai giữ được biển, ven biển sạch bằng những cộng đồng sinh sống, sinh cơ lập nghiệp tại vùng ven biển, bởi họ là những người được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các dịch vụ của hệ sinh thái biển.

Cần phát huy nét văn hóa tốt đẹp của cư dân vùng biển trong ứng xử với môi trường biển; nói không với rác thải, rác thải nhựa, đồ nhựa dùng một lần để biển, cảnh quan ven biển luôn xanh – sạch – đẹp.

Các cơ quan quản lý địa phương có sự tham gia của cộng đồng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc xả thải, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải ven biển và trên vùng hải đảo; khuyến khích, giúp đỡ, động viên nhân dân, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trồng nhiều cây xanh vùng ven biển, trồng rừng ngập mặn để chắn cát bay, cát nhảy, chống xói lở bờ biển.

Các địa phương và các cộng đồng dân cư sinh sống ven biển, trên các đảo cần tăng cường ngăn ngừa xâm nhập rác thải nhựa bằng các giải pháp như xây dựng các quy ước, hương ước phù hợp ở từng vùng miền trong việc khai thác sử dụng vùng đất ven biển.

Điều này vừa đảm bảo lợi ích của người dân vừa bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển một cách bền vững, hướng đến môi trường biển không còn rác thải nhựa, túi nilon, theo kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề ra.

Giảm thiểu rác thải nhựa bằng việc phân loại rác, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa, tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích và có cơ chế sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần (túi vải, túi bằng mây tre, lá…).

Tăng cường chương trình giáo dục cho học sinh tại các bậc học, từ mầm non đến đại học, ở các vùng miền, đặc biệt vùng ven biển, hải đảo, bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực.

Cộng đồng cùng chung tay gìn giữ biển đảo Việt Nam xanh-sạch-đẹp chính là cách cứu vãn sự tồn tại và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho sức khỏe, phồn vinh của cả cộng đồng ven biển và cả cộng đồng sống trên đất liền.

Minh Trang 

Bài liên quan
  • GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Nhà khoa học vì môi trường
    Moitruong.net.vn – Với gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức và vai trò cộng đồng trong gìn giữ môi trường biển đảo