Nghệ An: Cảnh báo hàng trăm điểm nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Kế Hùng|18/09/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện nay đang bước vào mùa mưa bão, địa bàn Nghệ An có hàng trăm điểm sạt lở núi với khoảng 3.000 hộ dân đang phải sống thấp thỏm lo sợ trước tình trạng sạt lở núi gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản, nhà cửa của nhân dân

Tại huyện Con Cuông, đại diện đơn vị quản lý giao thông cho biết: Riêng từ đầu tháng 9/2023 đến nay đã xảy ra 3 vụ sạt lở núi, mỗi đợt sạt lở từ 5-7 m3; khi xảy ra sự cố, đơn vị dùng máy xúc triển khai san gạt đảm bảo lưu thông.

Theo báo cáo của phòng kinh tế hạ tầng huyện Con Cuông, địa bàn huyện hiện có trên 10 điểm sạt lở núi, qua các đợt mưa từ đầu tháng 9 đến nay đã xảy ra sạt lở ở một số vị trí thuộc các xã Thạch Ngàn, Bồng Khê và Lạng Khê.

Ông Nguyễn Tài Quý - Chủ tịch UBND xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: Địa bàn xã Tường Sơn hiện có 5 điểm sạt lở núi, tập trung ở các xóm 3,4,6,7, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 80 hộ dân. Khi mùa mưa đến, xã triển khai thông báo, cảnh báo nguy cơ sạt lở đến các hộ dân để bà con chủ động đề phòng.

Được biết, địa bàn huyện Anh Sơn hiện có 35 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng 334 hộ dân, các điểm sạt lở núi tập trung ở các xã Tường Sơn, Vĩnh Sơn, Phúc Sơn, thị trấn Anh Sơn …

Sạt lở  tại huyện Anh Sơn (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ lợi, tính đến thời điểm này Nghệ An hiện có 274 điểm sạt lở núi, làm ảnh hưởng gần 3.000 hộ dân. Các điểm sạt lở núi chủ yếu tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Đô Lương…

Trưởng phòng Phòng chống thiên tai, Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Quang Đông, cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các điểm sạt lở, sụt lún đều nằm ở khu vực vùng núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả bão lụt hàng năm không nhiều nên hầu hết các hộ dân tự huy động nguồn lực để xử lý tạm thời khắc phục sạt lở như thuê máy bạt mái taluy, hoặc xây dựng các bờ kè đá nhỏ.

Trước mùa mưa bão một số huyện đã triển khai kè rọ đá, bạt mái taluy tại một số vị trí sạt lở núi như tại 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn; Bạt mái taluy trên 20.000 m3 đất đá tại vị trí Km19+100 đoạn xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, bị sạt lở núi trong năm 2022…

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, tại các vị trí bị sụt lún, sạt lở núi, chính quyền địa phương các huyện đã sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất; kiểm tra rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Cảnh báo hàng trăm điểm nguy cơ sạt lở núi ảnh hưởng đến cuộc sống người dân