Nghệ An: Chỉ có 8 cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải

Hà Linh (T/h)|18/11/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đó là thông tin mà đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An nêu ra trong buổi làm việc với UBND tỉnh này để bàn cách giải quyết tồn tại, hạn chế trong vấn đề xử lý môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) của địa phương.

– Theo quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh Nghệ An có 50 CCN với tổng diện tích 802,8 ha, trong đó có 12 CCN đã lấp đầy, 39 CCN đã lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, hiện mới có 08/20 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

>>>Tập đoàn BimGroup xả thải ô nhiễm ra môi trường biển: Yêu cầu giám đốc Công ty có mặt tại Phòng Cảnh sát môi trường

>>>TP. Hồ Chí Minh: Trạm trộn bê tông Soam Vina hoạt động gây ô nhiễm môi trường

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cho biết, qua quá trình giám sát hiện có tới 14 tồn tại, trong đó chỉ rõ có những công ty, đơn vị không chấp hành nghiêm và xử lý khắc phục kịp thời các kết luận thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hầu hết các KCN, CCN làng nghề tại các huyện chưa xây dựng hệ thống nước thải tập trung.

Ảnh minh họa

Đến nay, có 20 CCN đã đi vào hoạt động với 248 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 04 doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn hoạt động trong lĩnh vực may mặc, còn lại là quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực chế biến khoáng sản, lâm sản, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất sản phẩm nhựa, sản xuất bao bì.

Theo ông Thái Văn Nông – Phó giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, trong số 8 CCN có hệ thống xử lý nước thải thì chỉ có CCN Tháp Hồng Kỷ (Diễn Châu) có hệ thống xử lý tập trung, 7 CCN còn lại chỉ có hệ thống hồ sinh học.

Ngoài ra, 04/20 CCN chỉ mới có hệ thống tách nước thải và nước mưa, 07/20 CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Có 1 CCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ các cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải không thay đổi, mặc dù đã được UBND tỉnh giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện thực hiện.

Đối với chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp cơ bản được các cơ sở thu gom và hợp đồng với các doanh nghiệp có đủ điều kiện vận chuyển và xử lý. Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại CCN vẫn còn một số hạn chế: Một số cơ sở có số lượng chất thải công nghiệp phát sinh ít vẫn còn thu gom xử lý cùng chất thải sinh hoạt.

Theo đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh; đồng thời tăng cường thanh tra đột xuất về các vấn đề môi trường, đặc biệt là chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị tư nhân được cấp phép thực hiện chức năng quan trắc để kết quả quan trắc khách quan, chính xác. Đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường các giải pháp quản lý Nhà nước để bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động.

Hà Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ An: Chỉ có 8 cụm công nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải