“Ngôi nhà xanh”: Mô hình phân loại, giảm rác thải hiệu quả tại Quảng Nam

Gia Hân|29/12/2022 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình “Ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống, vừa giúp hình thành thói quen trong việc phân loại và hạn chế thải rác hằng ngày ra môi trường.

Từ nhiều tháng nay, chị em phụ nữ ở khối Xuân Thuận (phường Cẩm Phô, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã hình thành thói quen thường xuyên mang các loại rác thải vỏ lon, chai nhựa, giấy bao bì, hộp sữa…. đến tập kết trong “Ngôi nhà xanh” được đặt ở nhà văn hoá. Những phế liệu này sẽ được chị em hội viên phân loại và bán cho các nhà máy tái chế. Số tiền thu được từ rác nhựa của “Ngôi nhà xanh”, Chi hội Phụ nữ khối Xuân Thuận mua bảo hiểm tặng phụ nữ và hỗ trợ hội viên khó khăn.

giam-rac-thai.jpg
Nhiều loại rác thải vỏ lon, chai nhựa, giấy bao bì, hộp sữa…. được chị em phụ nữ ở Hội An mang đến tập kết trong “Ngôi nhà xanh” để phân loại và tái chế

Đây là mô hình do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế IUCN Việt Nam; Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh GreenHub tài trợ và Hội LHPN TP. Hội An triển khai tại 54 địa điểm của 12 xã, phường trên địa bàn thành phố nhằm vận động người dân phân loại rác trước khi được mang đi thu gom, tái chế, giảm lượng rác phải đem đi chôn lấp tại Hội An.

Điều đặc biệt, mô hình “Ngôi nhà xanh” không chỉ dừng lại rác giá trị cao như vỏ lon, chai nhựa, giấy, bìa carton để bán gây quỹ chi hội hoạt động mà còn tập trung loại rác có giá trị thấp đó là hộp xốp, túi nilong, vỏ kẹo, ống hút, ly nhựa, muỗng nhựa, hộp sữa… để tái chế thành các sản phẩm hạt nhựa, nhựa đường hay còn gọi là rác ReForm.

Theo bà Ngô Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP. Hội An cho rằng “ngôi nhà xanh” là bước phát triển mới từ các mô hình bảo vệ môi trường tại TP. Hội An, mục đích hướng đến là phân loại rác tại nguồn, tuyên truyền người dân giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần, giảm áp lực cho môi trường.

Qua 1 năm vận hành hoạt động ngôi nhà xanh bước đầu đã phát huy hiệu quả, hạn chế việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tăng cường phân loại rác thải đáp ứng tiêu chí góp phần xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giúp chi hội có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ trao hàng trăm suất quà, hàng chục thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, khó khăn trên địa bàn thành phố.

Để mô hình hoạt động hiệu quả, các chi hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với CLB vì môi trường trong quá trình thu gom, vận chuyển rác giá trị thấp; thống nhất lịch trình thu gom và vận chuyển phù hợp; các chi hội phân loại rác ngôi nhà xanh theo hướng dẫn; vào các ngày định kỳ trong tháng (3 ngày/lần, 10 lần/tháng), Câu lạc bộ vì môi trường đến các địa điểm đặt ngôi nhà xanh để cùng với các chi hội phụ nữ kiểm tra, ghi chép khối lượng rác và vận chuyển tới các trạm MRF của ReForm Plastic. Đồng thời, mỗi tháng 2 lần CLB vì môi trường vận chuyển đến cơ sở tái chế của ReForm Plastic thu mua.

giam-rac-thai(1).jpg
Thông qua mô hình "Ngôi nhà xanh" đã giảm thiểu 30% lượng rác phải đem đi chôn lấp ở Hội An

Tính đến ngày 30/11/2022, hoạt động 54 ngôi nhà xanh đã thu gom rác thải tái chế (giá trị cao) gồm: chai nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt, giấy, sắt vụn... bán xây dựng quỹ được hơn 63 triệu đồng; có 27 ngôi nhà xanh thực hiện thu gom rác (giá trị thấp) gồm túi nilông, hộp xốp, hộp sữa… gây quỹ gần 3 triệu đồng.

“Những “Ngôi nhà xanh” đã tạo ra vòng đời cho rác có giá trị thấp từ việc phân loại đến tái chế thành các sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống, vừa giúp người dân hình thành thói quen trong việc phân loại và hạn chế phát thải rác thải hằng ngày ra môi trường.” – bà Nhung chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ Phát triển xanh (Green Hub): Đây không phải là mô hình mới tuy nhiên loại rác và việc thu gom loại nhựa giá trị thấp là mới. Có thể nói Hội An là địa phương tiên phong trong “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp”. Trong thời gian tới, hi vọng thành phố có phương án vận chuyển nhựa giá trị thấp đến địa điểm tập kết tái chế, tăng cường kết nối chuỗi với nhà máy tái chế, tạo ra một vòng đời mới cho rác ở thành phố du lịch này.

Bài liên quan
  • Chơi ở đâu khi đi đến Quảng Nam?
    Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nơi đây không chỉ giàu truyền thống văn hóa mà còn có rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, hữu tình làm say đắm lòng người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
“Ngôi nhà xanh”: Mô hình phân loại, giảm rác thải hiệu quả tại Quảng Nam