Người bị bệnh tim mạch nên ăn uống thế nào trong dịp Tết?

Gia Khiêm|16/02/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày Tết, ăn uống, giờ giấc sinh hoạt nghỉ ngơi bị đảo lộn so với ngày thường, thói quen vận động cũng không được duy trì. Chế độ dinh dưỡng bị mất cân bằng do nạp bia, rượu, thức ăn giàu đạm, ít rau xanh… Điều này gây nhiều nguy hại cho sức khỏe, đặc biệt là người bị bệnh tim mạch.

Để có sức khỏe tốt, người bị bệnh tim mạch cần lưu ý một số vấn đề trong ăn uống như sau:

Cần có chế độ ăn hợp lý

Trong những ngày Tết, vấn đề ăn uống không điều độ là điều khó tránh khỏi, chế độ ăn nhiều thịt, nhiều mỡ thường xuyên trong những bữa tiệc liên miên. Điều này hết sức nguy hiểm đối với các bệnh nhân có tiền sử mỡ máu cao, xơ vữa động mạch…

Đối với những bệnh nhân suy tim tăng huyết áp, bao giờ bác sĩ cũng chỉ định chế độ ăn nhạt, kiêng muối tương đối hay tuyệt đối. Tuy nhiên trong những ngày Tết, nhiều bệnh nhân khó thực hiện được việc này. Người tăng huyết áp suy tim rất dễ phát bệnh nếu ăn với chế độ nhiều muối. Do vậy, nếu có bệnh này, không nên ăn dưa muối, kiệu muối, các món dưa giá, dưa hành cũng nên dùng giấm đường để giảm lượng muối. Nên hạn chế các thức ăn chế biến sẵn nhiều muối như giò chả, patê, vịt, lạp xưởng… Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu kali, tốt cho tim mạch.

Hạn chế thức uống có cồn

Đối với những bệnh nhân tim mạch, việc tiêu thụ nhiều thức uống có cồn như bia, rượu… sẽ làm tăng huyết áp, làm tăng nhịp tim, tim co bóp mạnh hơn bình thường, áp lực mạch máu não tăng cao, tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Hơn nữa, những người uống rượu say sau đó ra đường gặp thời tiết lạnh có thể bị tai biến mạch máu não và tử vong.

Những người không uống nhiều rượu, bia thường xuyên, nhưng “chè chén” say sưa với lượng rượu, bia lớn trong ngày Tết, thường có các triệu chứng khó chịu ở ngực như hồi hộp, tức ngực, đôi khi ngất. Uống quá nhiều rượu, bia trong một thời gian dài có thể gây ra các biến chứng tim mạch trầm trọng như: bệnh cơ tim giãn, suy tim tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, rối loạn nhịp tim và đột tử. Các triệu chứng của bệnh cơ tim do rượu thường âm thầm, tuy nhiên một số bệnh nhân có biểu hiện suy tim cấp với các triệu chứng thường gặp là khó thở khi gắng sức và những cơn khó thở kịch phát vào ban đêm, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực do những cơn rung nhĩ kịch phát, những cơn rối loạn nhịp nhanh trên thất.

Người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không nên uống quá 2 lon bia hoặc 1 chai bia 500ml hoặc 1 chung rượu mạnh 50ml/ngày.

Tránh xa thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ tim mạch cao hơn. Thuốc lá làm rối loạn chức năng điều hòa mạch máu (vận mạch), hoạt hóa tiểu cầu tăng đông máu, tăng huyết áp và nhịp tim khởi phát, thúc đẩy quá trình vữa xơ động mạch tiến triển. Tiết trời lạnh vào dịp Tết cũng làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch máu ngoại vi. Vì vậy, trong các cuộc hội ngộ cần tránh xa thuốc lá. Điều đó không những tốt cho bệnh nhân tim mạch mà còn tốt cho những người xung quanh.

Chế độ ăn uống hợp lý, tránh xa thuốc lá, bệnh nhân tim mạch cần lưu ý không nên thức quá khuya, dậy quá sớm. Tranh thủ nghỉ trưa tối thiểu 30 phút/ngày. Ngoài ra, cần chuẩn bị thuốc đầy đủ và nhớ uống thuốc đều đặn trong những ngày Tết theo đơn của bác sĩ sẽ giúp cho tình trạng bệnh của bệnh nhân tim mạch được ổn định.

Ngoài ra, việc duy trì chế độ dinh dưỡng cũng như bổ sung các thực phẩm lành mạnh sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, cũng như tránh được nguy cơ đột quỵ.

Các loại đậu

Đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu lăng hay các loại đậu khác nói chung đều có khả năng giảm thiểu hàm lượng cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) trong cơ thể. Mặt khác, chúng còn là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng có lợi cho tim cũng như sức khỏe tổng thể như: Chất xơ, protein, các chất chống oxy hóa mạnh…

Cà chua

Công dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết bình can và hạ huyết áp. Là thực phẩm rất giàu vitamin C và P, nếu ăn thường xuyên mỗi ngày 1-2 quả cà chua sống sẽ có khả năng phòng chống cao huyết áp rất tốt, đặc biệt là khi có biến chứng xuất huyết đáy mắt.

Tỏi

Công dụng hạ mỡ máu và hạ huyết áp. Hàng ngày nếu kiên trì ăn đều đặn 2 tép tỏi sống hoặc đã ngâm dấm hay uống 5ml dấm ngâm tỏi thì có thể duy trì huyết áp ổn định ở mức bình thường.

Súp lơ xanh

Một số kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thường xuyên ăn súp lơ xanh có thể giúp bạn mau chóng giảm mức cholesterol trong máu. Do đó, không ít chuyên gia dinh dưỡng đánh giá loại rau củ này là thực phẩm tốt cho tim mạch.

Bưởi

Trong bưởi có hợp chất naringenin, một chất chống oxy hóa có thể giúp gan đốt cháy lượng mỡ dư thừa. Đồng thời bưởi giúp cải thiện quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, làm hạ đường huyết, rất tốt cho những người mắc bệnh tim mạch hay béo phì.

Chuối

Ăn nhiều kali thực sự có thể làm giảm huyết áp, ngay cả ở những người bị tăng huyết áp. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke cho thấy kali đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa đột quỵ. Một quả chuối chứa 422mg kali. Chuối đặc biệt có thể giúp giảm huyết áp. Chuối xanh chưa chín cải thiện độ nhạy cảm insulin, cải thiện kiểm soát đường huyết, có thể giúp hỗ trợ tối ưu hóa lưu thông máu và giảm huyết áp.

Trà xanh

Vài nghiên cứu cho rằng trà xanh cũng có thể đem lại lợi ích sức khỏe tim mạch. Trong vòng một thập kỷ qua, vài nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trà xanh và sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như:

Một đánh giá có hệ thống cho biết thói quen uống trà xanh có khả năng làm giảm một lượng nhỏ cholesterol, yếu tố trực tiếp gây xơ vữa động mạch. Từ đó, nó có thể hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu này lại không thể xác định chính xác hàm lượng trà xanh mà người dùng phải hấp thụ là bao nhiêu để đạt được lợi ích như trên.

Một nghiên cứu khác lại đào sâu vào tác dụng của trà xanh đối với trình trạng tăng huyết áp. Kết quả cho thấy loại thực phẩm này có thể hạ bớt chỉ số huyết áp, nhưng không đáng kể. Do đó, các nhà khoa học cũng không thể khẳng định liệu phương pháp này có thể giúp bạn ngăn ngừa bệnh tim phát triển hay không.

Quả hạch

Một nguồn thực phẩm tốt cho tim mạch khác được nhiều người biết đến là quả hạch. Hạnh nhân, quả phỉ, đậu phộng, quả hồ đào, quả hồ trăn hay quả óc chó đều là những lựa chọn tốt cho sức khỏe của tim. Các loại hạt này chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm: Protein, Chất xơ, Khoáng chất, Vitamin, Chất chống oxy hóa

Ngoài ra, tương tự cá béo và hạt lanh, quả óc chó cũng là nguồn thực phẩm giàu omega-3. Nhờ vậy, loại quả hạch này được nhiều người xếp vào nhóm thực phẩm tốt cho tim mạch.

Khoai lang

Khoai lang là một món phụ tốt cho sức khỏe vào bữa tối. Một chén khoai lang nướng cả vỏ chứa nhiều vitamin A, chất xơ khuyến nghị hàng ngày, giúp tim, phổi và thận hoạt động bình thường; Thêm vào đó, khoai lang có đầy đủ các chất chống oxy hóa để giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong mạch máu.

Gia Khiêm

Bài liên quan
  • Phong tục Tết của người Nam Bộ
    Moitruong.net.vn – Mỗi vùng miền đều có một phong tục đón Tết khác nhau, và Tết Nam bộ cũng là một nét đặc trưng mà vùng đất phương nam góp phần hòa vào bức tranh mùa xuân của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Người bị bệnh tim mạch nên ăn uống thế nào trong dịp Tết?