Người dân Đông Nam Á đối mặt với nắng nóng gay gắt

Tô Anh|10/06/2023 15:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo nhiều báo cáo cho thấy Đông Nam Á vừa trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 200 năm qua, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Tháng 4 và tháng 5 thường là thời kỳ nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á, nhiệt độ thường sẽ tăng lên trước khi mùa mưa tới. Nhưng năm nay, mức nhiệt chạm ngưỡng cao chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, trong đó có những điểm du lịch nổi tiếng như Việt Nam hay Thái Lan.

dongnama.jpg
Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa dưới cái nóng gay gắt. Ảnh: AFP

World Weather Attribution (WWA), liên minh các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu thời tiết thế giới, hồi tháng 5 công bố báo cáo cho thấy Đông Nam Á vừa trải qua đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 200 năm qua, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Theo phân tích dữ liệu trạm thời tiết của nhà khí hậu học và sử học thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C vào ngày 15/4, trong khi Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp vào tháng 5.

Nguy hiểm hơn, cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á còn chịu độ ẩm cao. Nhiệt độ cộng độ ẩm gây ra tình trạng cực kỳ khó chịu và biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Lý do là bởi độ ẩm, cùng với nhiệt độ khắc nghiệt, khiến cơ thể người khó tự hạ nhiệt hơn. Các bệnh liên quan đến nhiệt, chẳng hạn như say nắng và kiệt sức vì nóng có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai.

dongnama(1).jpg
Nhiều người lao động ngoài trời oằn mình dưới nắng nóng khắc nghiệt

Các đợt nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cá nhân mà còn đe dọa môi trường và sinh kế của người dân, làm xấu đi chất lượng không khí, phá hoại mùa màng, tăng nguy cơ cháy rừng và phá hủy cơ sở hạ tầng, vì vậy nhu cầu về các kế hoạch hành động của chính phủ đối với các đợt nắng nóng là rất quan trọng.

Theo các nhà khoa học của WWA, các chính phủ cần phát triển các giải pháp quy mô lớn, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm về nhiệt, làm mát thụ động và chủ động cho tất cả mọi người, quy hoạch đô thị và kế hoạch hành động chống nóng. Điều quan trọng là một kế hoạch quốc tế gắn kết có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro từ biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân Đông Nam Á đối mặt với nắng nóng gay gắt