Người dân Quảng Ngãi dồn sức chống hạn cho cây trồng

Gia Hân|08/08/2022 08:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở nhiều ao, hồ, sông, suối xuống thấp. Nông dân ở các địa phương ở Quảng Ngãi đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống hạn, để đảm bảo năng suất cây trồng.

Vụ hè thu năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi trồng khoảng 35 nghìn héc ta lúa, gần 5.200ha rau và trên 2.500ha đậu các loại. Trong đó, có hàng chục nghìn diện tích lúa, rau màu được tưới từ các hồ chứa thủy lợi. Trong điều kiện nắng nóng và khô hạn kéo dài, nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất.

Ông Võ Đức Tiến, ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh (Bình Sơn), đóng giếng, kéo điện để bơm nước cho ruộng lúa. Ảnh: N.VyÔng Võ Đức Tiến, ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh (Bình Sơn) cho biết, nắng nóng kéo dài, nước đập sắp cạn nên 2 sào lúa của gia đình tôi thiếu nước tưới. Tôi phải thuê người đóng giếng và mua sắm máy bơm, đường ống nhựa với số tiền hơn 20 triệu đồng, để có nguồn nước tưới cho cây trồng.

chong-han.png
Ông Võ Đức Tiến, ở thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh (Bình Sơn), đóng giếng, kéo điện để bơm nước cho ruộng lúa

Không chỉ gia đình ông Tiến, mà tại đội 1, đội 2 và đội 6, thuộc thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh hiện có gần 2/3 diện tích lúa đối diện nguy cơ khô hạn. Ngoài ra, hơn 200 hộ dân trong thôn đang thiếu nước sinh hoạt. Năm 2020, chính quyền xã Bình Minh đã hỗ trợ người dân trong thôn đóng 2 giếng nhưng vẫn không đủ nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Không chỉ lúa, rau màu mà nhiều diện tích cây ăn quả cũng đối diện nguy cơ thiếu nước, nhất là tại xã Hành Thiện (Nghĩa Hành). Ông Võ Minh An, ở thôn Ngọc Sơn, xã Hành Thiện cho biết, vườn bưởi của gia đình tôi đang giai đoạn phát triển quả, nếu thiếu nước thì quả bưởi sẽ bị khô, xốp. Vậy nên, không chỉ tìm nguồn nước để bơm tưới thường xuyên cho vườn bưởi mà tôi còn phải bấm cành, ngắt bớt trái để cây có sức chống chịu với nắng nóng.

Còn ông Nguyễn Hữu Phước, cũng ở thôn Ngọc Sơn, lo lắng vì dự báo nắng nóng sẽ kéo dài, trong khi đó nước giếng, ao, hồ đang cạn dần. "Tôi đã tốn hàng chục triệu đồng mua máy bơm để có nguồn nước tưới cho cây bưởi. Dù tốn kém, vất vả nhưng đây là nguồn thu nhập chính của gia đình nên phải cố gắng", ông Phước nói.

Toàn huyện Bình Sơn hiện có 58 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, do chính quyền các địa phương và các hợp tác xã nông nghiệp quản lý, vận hành. Quá trình sử dụng lâu dài, lòng hồ bị bồi lắng, dung tích hồ giảm từ 30 - 50% so với dung tích thiết kế, nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới vào giữa hoặc cuối vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền, thời gian gần đây thỉnh thoảng có mưa dông nên mực nước tại các hồ chứa vẫn đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết cực đoan, cộng với nhiều công trình thủy lợi, kênh mương bị hư hỏng nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số diện tích cuối kênh, cũng như giai đoạn giữa và cuối vụ. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện phương án chống hạn đã được phê duyệt. Trước hết, vận động nhân dân be bờ giữ nước mưa, hạn chế thất thoát tại các hồ đập, sông suối; đồng thời triển khai tưới xen kẽ nhằm tiết kiệm nước, tích nước cho giai đoạn sau, nhất là thời điểm cây lúa đứng cái làm đòng và trổ bông.

Trong khi đó, UBND huyện Nghĩa Hành cũng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương huy động người dân nạo vét một số kênh dẫn, trạm bơm, bể hút bị cát bồi lấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của huyện tập trung hướng dẫn người dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật, quy trình tưới nông - lộ - phơi, tưới giữ ẩm để tiết kiệm nước. Riêng vùng cây ăn quả có thể tận dụng nguồn nước tại chỗ ở các ao, hồ, sông suối và khoan giếng tại chỗ để bơm tưới cho cây trồng...

Theo Sở NN&PTNT, tình Quảng Ngãi trạng thiếu nước xảy ra cục bộ tại một số vùng sản xuất, hầu hết là những diện tích phụ thuộc vào nước hồ chứa, sông suối. Công tác ứng phó với hạn hán đang được ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và người dân nỗ lực thực hiện. Chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa tăng cường phát dọn, vệ sinh lòng kênh, đắp bờ giữ nước; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư lắp đặt thêm các máy bơm... để sẵn sàng bơm tưới khi nắng nóng kéo dài. Chủ động phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi thực hiện phương án chuyển nước tạo nguồn từ các hồ chứa... nhằm đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất giai đoạn cuối vụ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Người dân Quảng Ngãi dồn sức chống hạn cho cây trồng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.