Nhiều công trình thủy lợi ở Bình Phước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Hoàng Linh|07/11/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 62 hồ đập lớn nhỏ, tuy nhiên, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, một số công trình đã hết thời gian sử dụng nên xuống cấp.

Hồ NT2 - đội 7 thuộc xã Phước Minh huyện Bù Gia Mập được xây dựng từ những năm 1980, được nâng cấp sửa chữa vào năm 2011, dung tích toàn bộ hồ chứa khoảng 1,74 triệu m3, nhiệm vụ cung cấp nước tưới, tạo cảnh quan, điều hòa khí hậu trong vùng dự án và cắt lũ cho vùng hạ du.

Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào vận hành khai thác, hiện nay một số hạng mục công trình đã xuống cấp, đặc biệt là hiện tượng thấm mái hạ lưu gây mất an toàn, công trình trở thành “quả bom nước” treo lơ lửng trên đầu người dân khi mưa lũ về.

cong-trinh-thuy-loi.png
Để đảm bảo an toàn công trình vào mùa mưa lũ, ngành thủy lợi Bình Phước đã chủ động hạ mực nước và không tích nước theo dung tích thiết kế. Ảnh: Trần Trung

Có mặt tại hồ chứa nước Hồ NT2 - đội 7, chúng tôi ghi nhận đoạn đập dài có hàng chục ụ mối chạy dọc mái thượng, mái hạ; mặt đập đá cấp phối bị xói lở; lòng hồ bồi lắng từ lâu càng làm ảnh hưởng khả năng tích trữ nước. Để đảm bảo an toàn công trình vào mùa mưa lũ, Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước đã chủ động hạ mực nước và không tích nước theo dung tích thiết kế.

“Để khắc phục, do nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa lớn, kinh phí địa phương hạn hẹp, ngành nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp và đã được Bộ NN-PTNT đưa vào dự án đảm bảo an toàn hồ chứa giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Dịch vụ thủy lợi Bình Phước Đặng Đình Thuần chia sẻ.

Ông Thuần cho biết thêm, trong 62 công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh, hiện có 15 công trình hư hỏng xuống cấp đến mức báo động, tiềm ẩn rủi ro cao. Đặc biệt, có hai hồ chứa đã bị thấm thân đập, cần nâng cấp là NT2 Đ7 (huyện Bù Gia Mập) và hồ Ông Thoại (huyện Bù Đăng) và có hơn 10 hồ chứa khác đang hư hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, tổng nguồn vốn thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình đảm bảo an toàn hồ đập trên địa bàn tỉnh Bình Phước là 85 tỷ đồng. Để công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao, Bình Phước kiến nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tiếp tục cấp phát phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn kinh phí cho tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng 15 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp với tổng kinh phí khoảng 138 tỷ đồng.

UBND tỉnh Bình Phước vừa có công văn khẩn (số 3447/UBND-KT) yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do lún, nứt, gãy địa chất, sạt lở đường, an toàn hồ đập trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình.

Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tốt công tác phối hợp cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, quan trắc khí tượng thủy văn tại các trạm cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trên lưu vực đảm bảo thực thi hiệu quả trong tổ chức điều hành vận hành liên hồ chứa.

Bài liên quan
  • Tháo gỡ khó khăn trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi
    Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp; phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong khai thác công trình thủy lợi hiện nay là những quy định liên quan còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều công trình thủy lợi ở Bình Phước tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn