Theo thống kê của ngành du lịch, số lượng khách du lịch năm 2017 tăng 29% so với năm 2016. Trong năm 2018, Việt Nam đón 15,5 triệu khách quốc tế, 80 triệu khách nội địa, tăng 20% so với năm 2017. Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 6 thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ tăng trưởng. Trong đó, khu vực biển, đảo thu hút khoảng 60% lượng du khách quốc tế; 50% lượng du khách nội địa và đóng góp khoảng 60% tổng thu từ du lịch cả nước.
Lượng khách du lịch tăng nhanh đã tạo ra nhiều tác động tới môi trường, cảnh quan khu vực biển, đảo nước ta. Thực tế, thời gian qua, việc quản lý rác thải nhựa (RTN) tại các hải đảo, các khu du lịch biển, nhất là các bãi biển còn hạn chế. Việc xả thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo. Chất thải chủ yếu là túi ni lông, hộp xốp, hộp nhựa, vỏ chai, ống hút, bát, thìa nhựa, lọ dầu gội đầu, lọ sữa tắm, áo phao, đồ cứu hộ cũ, hỏng… Kết quả số liệu thu thập từ Chương trình Giám sát RTN bãi biển tại Việt Nam thực hiện vào cuối năm 2018 cho thấy, rác thải từ xốp chiếm nhiều nhất, tính cả về số lượng cũng như khối lượng.
Khu dân cư ven biển ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau bị ô nhiễm bởi rác thải và túi ni lông. Ảnh: Bích Nguyên
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo và Thạc sĩ Nguyễn Thùy Vân, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, tỉ lệ thu gom chất thải rắn tại các khu du lịch biển, đảo hiện chỉ đạt khoảng 70-80%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Năm 2017, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thu gom được 2.000 tấn rác thải. Tại Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mỗi ngày phát sinh khoảng 155 tấn rác thải, nhưng chỉ thu gom được khoảng 91 tấn.
Dự báo, tại Cát Bà, TP Hải Phòng, đến năm 2020, lượng chất thải rắn trên đảo có thể tăng 2,5 lần, trong khi các bãi rác hiện tại trên đảo đều trong tình trạng quá tải. Còn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng trăm tấn rác từ đại dương theo thủy triều trôi dạt vào các bãi tắm ven biển. Một vài con số thống kê kể trên cho thấy, các khu du lịch biển, đảo nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm rác thải, trong đó có RTN ngày càng lớn.
Ngành du lịch mới đây dự báo khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2020 sẽ vào khoảng 17-20 triệu lượt khách, khách nội địa khoảng 82 triệu lượt, trong đó, khoảng 60 triệu lượt lưu trú.
Dự báo lượng phát sinh RTN do du khách thải ra tại các khu du lịch biển, đảo đến năm 2020 cũng tăng theo, ở mức 206.100 tấn/năm. Xét trên tổng thể, “lượng RTN tại các khu du lịch biển, đảo tính riêng đối với khách du lịch là rất lớn, chiếm gần 40% tổng RTN ra biển (206.000 đến 500.000 tấn) và phải mất rất nhiều thời gian, lượng rác thải này mới được phân hủy, trong khi lượng rác sẽ vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm” – Tiến sĩ Dư Văn Toán cho biết.
Quy hoạch xử lý rác thải rắn tại 12 huyện đảo
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là phải quản lý được RTN đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương; tạo đột phá và chuyển biến căn bản về nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong sản xuất tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm nhựa và thu gom, xử lý RTN.
Với quan điểm đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 80% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Vào năm 2030, tỉ lệ này tăng lên 100%. Đồng thời, thực hiện quan trắc hằng năm và định kỳ đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại 6 đảo tiền tiêu có tiềm năng phát triển du lịch.
Hoạt động nuôi trồng thủy sản là một trong những nguồn phát sinh RTN trên biển. Ảnh: Bích Nguyên
Theo Tiến sĩ Dư Văn Toán, có thể quản lý, giảm thiểu phát sinh đến xử lý RTN thông qua việc thực hiện cơ chế chính sách; áp dụng công nghệ – kỹ thuật; giáo dục và truyền thông. Cụ thể, cần hoàn thiện chính sách về chất thải rắn và RTN tại Việt Nam. Ngành du lịch phải tuân thủ và hưởng ứng tích cực các điều luật quốc tế và Việt Nam về bảo vệ môi trường, bảo vệ biển… Bên cạnh đó, cần phải phân loại chất thải rắn tại nguồn; hạn chế sử dụng các sản phẩm dùng một lần. Song song với đó, phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của RTN.
Được biết, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đã nêu các nhiệm vụ cần phải thực hiện, trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phải kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát sinh RTN đối với các hoạt động của các ngành kinh tế thuần biển (du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác khoáng sản, nuôi trồng và khai thác thủy sản…). Cùng với đó, quy hoạch xử lý chất thải rắn tại các đảo có người dân sinh sống, đặc biệt là tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao thuộc 12 huyện đảo. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển tối thiểu một năm hai lần.
Thiên Hương (T/h)