Nhiều thành phố của Ấn Độ lọt top ô nhiễm nhất thế giới

Mai Anh (t/h)|27/02/2020 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều thành phố của Ấn Độ bị xếp hạng có chất lượng không khí tồi tệ, trong số 30 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới, Ấn Độ chiếm tới 21 nơi.

Theo dữ liệu của Báo cáo chất lượng không khí năm 2019 của Tổ chức Thông tin về Chất lượng không khí toàn cầu IQAir AirVisual, 21 trong số 30 thành phố trên thế giới có ô nhiễm không khí tồi tệ nhất là ở Ấn Độ, với 6 thành phố của quốc gia này trong số 10 thành phố trên thế giới ô nhiễm nhất.

Ghaziabad, thành phố vệ tinh của thủ đô New Delhi ở phía bắc bang Uttar Pradesh, được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với chỉ số Chất lượng Không khí Trung bình (AQI) năm 2019 là 110,2, cao hơn gấp đôi so với mức mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ đánh giá là có thể an toàn cho sức khỏe. Hồi tháng 11-2019, một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã được tuyên bố sau khi chỉ số AQI vượt quá 800 ở một số khu vực của New Delhi, gấp hơn ba lần mức “nguy hiểm”.

Ô nhiễm không khí tại Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu thuộc IQAir đã thu thập dữ liệu từ các trạm quan trắc mặt đất để đo mức độ những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (bụi mịn PM 2.5).

Được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác, so với sợi tóc con người thì bụi mịn PM 2.5 nhỏ hơn khoảng 30 lần.

Loại bụi này được coi là đặc biệt có hại vì chúng đủ nhỏ để xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư.

Báo cáo cũng cho biết, để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, Ấn Độ đã khởi động Chương trình Không khí sạch Quốc gia (NCAP) đầu tiên nhằm mục đích giảm 20-30% mức độ bụi mịn PM 2.5 và bụi mịn PM 10 tại 102 thành phố vào năm 2024.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu, chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, ung thư và nhiễm trùng đường hô hấp. Ước tính hơn 80% người dân sống ở khu vực thành thị có mức chất lượng không khí vượt quá giới hạn “an toàn” của WHO, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình có nguy cơ cao nhất. “Ô nhiễm không khí gây ra nguy cơ sức khỏe cấp bách nhất đối với dân số toàn cầu”, báo cáo của AirVisual cho biết. Nam Á tiếp tục là nơi đáng lo ngại nhất, với 27 trong số 30 thành phố ô nhiễm nhất nằm ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Bangladesh.

Mai Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thành phố của Ấn Độ lọt top ô nhiễm nhất thế giới