Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội

Nguyên Lâm|22/04/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Qua hơn 2 năm Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình số 04 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025, Đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch.

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 do Thành uỷ Hà Nội khoá XVII tổ chức vào ngày 21/4, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU chủ trì. Về phía Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tham dự.

Nhiều kết quả đạt được

Chương trình số 04 được Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 17/3/2021. Đây là một trong 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khoá XVII.

nong-thon-moi.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang ở xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tại hội nghị, thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021, cụ thể hóa nhiệm vụ cho từng năm, từng địa phương, từng sở ngành kèm theo kinh phí để thực hiện. HĐND TP Hà Nội đã ban hành 2 Nghị quyết bố trí vốn cho các dự án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 và năm 2023…

Chương trình số 04 có 33 chỉ tiêu. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 23/33 chỉ tiêu vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch hoặc đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch.

Đáng chú ý, có 8 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và hoàn thành so với mục tiêu của Chương trình năm 2025, chẳng hạn như: Tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; Cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Sản phẩm OCOP được công nhận; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ...

Ngoài ra, có 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2022 và dự kiến đảm bảo lộ trình đạt kế hoạch giai đoạn đến năm 2025.

Bài học kinh nghiệm

Kết quả triển khai Chương trình số 04, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó không ít vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Trải qua hơn 2 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để có định hướng chỉ đạo phù hợp trong bối cảnh mới.

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở xã phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.

Tiếp đến, cần cụ thể hóa chương trình bằng các đề án, dự án, kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm. Thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở. Định kỳ giao ban giữa Ban Chỉ đạo Chương trình của Thành ủy với ban chỉ đạo các huyện, thị xã để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiếp tục tăng cường huy động nội thành hỗ trợ ngoại thành và sự góp sức của cộng đồng, dân cư trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân; vai trò giám sát, kiểm tra của người dân đối với việc thực hiện các dự án dân sinh trên địa bàn.

Tập trung dành nguồn lực từ ngân sách TP để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về cơ sở hạ tầng cho xây dựng nông thôn mới là bài học kinh nghiệm thứ tư được Thành ủy Hà Nội đúc kết. Và cuối cùng là thường xuyên giao ban, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở. Giải quyết linh hoạt và đúng nguyên tắc các kiến nghị của địa phương; phân công rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Cũng theo báo cáo, để đạt mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU cho cả giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất HĐND - UBND TP hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 là 17.542 tỷ đồng; trong đó năm 2023 là 13.069 tỷ đồng; giai đoạn 2024 - 2025 là: 4.473 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội