Anh Lê Văn Sáng, Trưởng ấp Thành Hưng, xã Thành Trung, huyện Bình Tân (Vĩnh Long) dẫn chúng tôi ra nơi pha thuốc và xúc rửa vỏ chai, nói: Ban đầu triển khai ghi nhật ký mua, sử dụng thuốc BVTV, mặc đồ bảo hộ, thu gom bao bì vỏ chai bỏ vào hố chứa cảm thấy rất lúng túng.
Đến nay, qua nhiều đợt tập huấn và thực hành mọi việc đã ổn và rất đồng tình ủng hộ. Khi phun xịt thuốc mặc đồ bảo hộ không còn cảm giác khó chịu. Pha thuốc có nơi có chỗ và xúc rửa bình cảm thấy rất an toàn. Hàng tháng, tại các hố chứa thu gom vỏ chai lại và có xe chở đi tiêu hủy không gây ô nhiễm môi trường.
Được biết, đến thời điểm này 11 xã ở huyện Bình Tân đều có hố chứa rác bao bì thuốc BVTV, mỗi xã có 20 hố. Ngoài ra, huyện còn xây 2 kho lưu chứa bao bì thuốc BVTV. Hàng tháng, các xã thuê nhân công thu gom bao bì ở các hố đến điểm tập kết lên tuyến lộ để xe thu gom về nơi chứa rác tập trung.
Các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Vũng Liêm (Vĩnh Long) vừa tiến hành thu gom vỏ chai đợt 1 được 1.115 kg. Trong đợt thu gom này, có sự tham gia của bà con nông dân và các ban ngành đoàn thể địa phương, nhằm góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho mọi người.
Thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng cho vào hố chứa
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Long cho biết: Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định, mặc quần áo bảo hộ khi phun xịt thuốc tưởng chừng như đơn giản nhưng tất cả đều phải được tập huấn.
Tỉnh Kiên Giang đã thu gom trên 3,3 tấn bao bì thuốc BVTV để tiêu hủy. TS. Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng nông dân, chính quyền địa phương và các đoàn thể tổ chức thu gom được 3.338 kg vỏ chai, bao, gói đựng thuốc BVTV đã qua sử dụng.
Trong đó, thu gom nhiều nhất là huyện Châu Thành, được 1.020 kg, Giồng Riềng 900 kg, các địa phương trọng điểm trồng lúa khác như Tân Hiệp, Hòn Đất, Giang Thành, từ 300-500 kg. Bao bì thu gom được đã tiến hành đem đi tiêu hủy đợt 1 với trọng lượng hơn 2,5 tấn, trong lò nung nhiệt độ cao của Nhà máy Xi măng Insee (huyện Kiên Lương). Số còn lại đang chờ Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (thuộc Sở TN-MT) mang tiêu hủy theo đúng quy định.
Ông Giàu cho biết, thực hiện chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, đơn vị đã tập huấn cho hàng ngàn nông dân về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm thu gom bao bì đã qua sử dụng. Qua đó, đã thu gom được hàng chục tấn bao bì độc hại đem đi tiêu hủy, loại bỏ dần thói quen vứt bỏ các loại bao bì thuốc BVTV tùy tiện trên đồng ruộng, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tại huyện Phú Tân (An Giang), UBND huyện đã dành nguồn kinh phí gần 700 triệu đồng để thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói BVTV. Với số tiền trên, UBND huyện Phú Tân sẽ thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói BVTV sau sử dụng tại các xã NTM trong 2 năm (2019 – 2020). Cụ thể, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV đối với xã NTM nâng cao Phú Bình, tổng khối lượng bao bì thuốc BVTV 1.687 kg/năm.
Đối với 6 xã điểm NTM, với diện tích đất trồng cây hàng năm và lâu năm của 6 xã này có tổng khối lượng bao bì thuốc BVTV 8.798 kg/năm. Ngoài ra, còn duy trì mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý đã triển khai thực hiện trước đó với khối lượng cần xử lý khoảng 450 kg/năm.
Theo đó, UBND các xã tuyên truyền, hướng dẫn trách nhiệm người sử dụng thuốc BVTV sau sử dụng phải được bỏ vào thùng thu gom. Để riêng bao bì thuốc với rác thải sinh hoạt và rác vệ sinh đồng ruộng. Không sử dụng bao bì thuốc vào các mục đích khác, không tự ý đốt, đem chôn hoặc bán phế liệu.
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì BVTV sau sử dụng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân. Từng bước cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thùy Dương (T/h)