Không khí ô nhiễm là tác nhân cơ bản gây nên một số bệnh như nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi, bệnh trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất là tình trạng của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, không khí ô nhiễm có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người.
Bụi siêu mịn PM 2.5 gây ra nguy cơ rất cao với sức khỏe con người, vì nó không những có thể xâm nhập vào hệ hô hấp gây các bệnh lý hô hấp mà còn có thể đi qua màng phế nang mao mạch ở phổi để vào tuần hoàn máu, đi tới các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra các tác hại nghiêm trọng với cơ thể con người.
Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của các đợt viêm cấp như viêm họng cấp, viêm mũi, viêm tai,… sẽ xuất hiện.
Theo các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do mắc các vấn đề về hô hấp và tim mạch ngày càng tăng cao. Do vậy ngoài việc có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường tương lai, giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí thì việc làm đầu tiên và quan trọng nhất đó là mỗi người cần phải biết cách bảo vệ hệ hô hấp và chăm sóc sức khỏe trước tình hình ô nhiễm không khí.
Có thể nói, bầu không khí quanh ta không thể thay đổi một sớm một chiều. Biện pháp hữu hiệu giúp đối phó tạm thời với ô nhiễm không khí là hạn chế ra đường vào những thời điểm nồng độ bụi cao như tối muộn và sáng sớm, nhất là đối với người già, người có bệnh hô hấp mạn tính, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai. Nếu có việc cần thiết phải đi ra ngoài thì nên sử dụng khẩu trang để lọc bụi và các chất ô nhiễm.
Loại khẩu trang có khả năng lọc gần hết thành phần PM 2.5 là khẩu trang N95, còn các loại khẩu trang thông thường đều không có khả năng lọc hết được PM 2.5. Khi ở trong nhà nên đóng kín cửa, tránh bụi từ bên ngoài xâm nhập môi trường không khí trong nhà, nếu có điều kiện có thể sử dụng các loại máy lọc không khí.
Tuy nhiên, đó chỉ là các biện pháp tạm thời, việc cấp thiết hiện nay là cùng chung tay để giảm thiểu ô nhiễm không khí, mỗi cá nhân có thể hành động trong khả năng của mình như giảm việc sử dụng than củi đốt để nấu nướng, sưởi ấm, giảm sử dụng các loại xe cơ giới, đặc biệt là các loại xe không đảm bảo về tiêu chuẩn phát thải,... Cùng với đó là các chính sách, luật, quy hoạch của nhà nước nhằm bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm không khí và phát triển bền vững.