Theo thông tin tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo nhằm sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 được tổ chức vào ngày 4/8, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước (tăng 18,7% về lượng và tăng gần 30% về trị giá). Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu gạo sang các thị trường khu vực Đông Nam Á tăng trưởng vượt bậc; các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững. Ngoài ra, khu vực thị trường EU cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao (gần 30%).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết.
Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất - Nhà ngân hàng) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt. Vì vậy, vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.
Việc tạo lập, phát triển các cơ chế liên kết, hợp tác giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất chưa được chú trọng. Do vậy chưa bảo đảm được nguồn hàng ổn định và có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Việc liên kết, hợp tác giữa các thương nhân với nhau cũng chưa thật tốt, dẫn đến vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường và ép cấp, ép giá trong hoạt động thu mua, kinh doanh, xuất khẩu gạo.
Đặc biệt, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo những ngày gần đây biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Nguyên nhân giá gạo tăng là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến nhu cầu các thị trường nhập khẩu tăng vọt đẩy giá tăng cao. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, do đó bất kỳ động thái nào liên quan đến xuất khẩu gạo của quốc gia này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đặc biệt là với các nước sử dụng gạo làm lương thực tiêu dùng chính.
“Từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mặc dù thị trường tiêu dùng chưa có vấn đề gì, song lệnh cấm đã khiến giá gạo tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này", ông Đỗ Hà Nam thông tin.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang... nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực.
Theo đó, ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu tăng đã tạo điều kiện rất lớn cho giá gạo trong nước. Bởi ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc, gạo nội địa tăng nhanh theo từng ngày.
Theo đó, giá gạo trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400-500 đồng/kg so thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực).
Giá một số chủng loại ghi nhận ngày 20/7/2023 như: i) giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5% so 20/7/2023 (tương đương tăng 500 đồng/kg); ii) giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); iii) giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…
Đối với giá thóc, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/7/2023, giá thóc nội địa tăng khoảng từ 368-441 đồng/kg so tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850-940 đồng/kg. So cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 1.300 đến gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 đến gần 3.400 đồng/kg.
Giá thóc, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (như: Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022…) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.
Về nguồn cung gạo trong nước, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay, diện tích gieo trồng lúa của nước ta đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.
Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như: dịch bệnh, thiên tai, bão lũ,... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.