Phát triển điện gió tại Việt Nam (Bài 1): Giải quyết phần nào nỗi lo thiếu điện

Duy Minh|06/10/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam là nước được nhiều chuyên gia nhận định có nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển điện gió. Nếu có các chính sách khuyến khích đầu tư hợp lý và kịp thời, Việt Nam sẽ giải quyết phần nào nỗi lo thiếu điện nhờ điện gió.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, năng lượng điện gió đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2018, tổng công suất nguồn điện gió toàn thế giới khoảng trên 591GW, tăng bình quân khoảng 18%/năm giai đoạn 2008 – 2018.

Các nước có sản lượng điện gió lớn trên thế giới có thể kể đến, như: Trung Quốc sản xuất 366 tỷ kWh, chiếm 28,8% tổng sản lượng điện gió toàn thế giới; Mỹ 278 tỷ kWh, chiếm 22%; Đức sản xuất 112 tỷ kWh, chiếm 10,3 %…

Hiện quy mô công suất tuabin gió đạt khoảng 9MW và có thể lên 12MW vào năm 2021; đạt 15 – 20MW vào năm 2030…. Trong khi đó, suất đầu tư cho điện gió cũng đã có sự sụt giảm mạnh nhờ tiến bộ của công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Vy, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, tại Việt Nam, ước tính trên đất liền, Việt Nam có thể phát triển khoảng 30GW điện gió. Cùng với tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển lên hàng trăm nghìn MW công suất điện gió.

Mặc dù vậy, hiện Việt Nam mới đưa vào vận hành khoảng 8 dự án, tổng công suất khoảng 300MW; đang xây dựng khoảng 10 dự án, tổng công suất khoảng 1.400MW. Đây vẫn còn là con số hạn chế so với tiềm năng, nhất là khi Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi cho điện gió.

Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam – nhận định, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam, bởi tiềm năng ở Việt Nam trong lĩnh vực này là rất lớn; trong đó phải kể đến đại dự án điện gió ngoài khơi Thanglong Wind – tỉnh Bình Thuận.

Dự án này có công suất 3.400MW, với số vốn lên đến 11,9 tỷ USD. Dự án này nếu được triển khai thành công ngoài việc sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai, thì đây cũng là một dự án tận dụng được các nhà thầu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa và có thể đưa Việt Nam tiến một bước mới trong lĩnh vực điện gió.

Ông Ngãi cũng cho rằng, sau điện mặt trời, điện gió sẽ là xu hướng phát triển mới và chủ đạo của ngành năng lượng Việt Nam trong những năm tới.

Điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam

Bùng nổ các dự án điện gió

Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh đặt mục tiêu tổng công suất điện gió đạt 800 MW vào năm nay, đạt 2.000 MW vào 2025 và 6.000 MW vào 2030. Tuy nhiên, đến nay đã có hàng chục dự án với công suất hàng nghìn MW đi vào hoạt động.

Theo TS. Mai Duy Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, với Quyết định số 39 (Quyết định số 39/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam), nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào lĩnh vực điện gió, công suất hiện đã vượt qua quy hoạch. Đây là điểm đáng mừng, nếu có thể giải quyết từng bước và nhanh chóng giải tỏa công suất cho các dự án, đem lại nguồn điện sạch cho phát triển kinh tế – xã hội và hiệu quả kinh tế của các dự án, tránh tình trạng như điện mặt trời thời gian qua.

UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo quy hoạch, tổng công suất tiềm năng gió của tính trong giai đoạn từ nay đến 2030 khoảng 2.507 MW. Hiện tỉnh Bạc Liêu có tổng số 24 dự án điện gió, với tổng quy mô công suất 4.449,8 MW; trong đó, 2 dự án đang vận hành, công suất gần 100 MW; 4 dự án đã được phê duyệt quy hoạch (đang tổ chức thực hiện), công suất 292 MW và 18 dự án đang trình bổ sung quy hoạch, tổng công suất hơn 4.000 MW.

Theo Trung tâm Diều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), trước khi có Quyết định 39, chỉ có 9 dự án đi vào vận hành, với công suất khiêm tốn là 353 MW. Nhưng đến nay, hàng nghìn MW điện gió đã được ký hợp đồng mua bán điện và hàng nghìn MW đã được bổ sung quy hoạch. Các dự án điện gió tập trung ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Trị, Phú Yên, Sóc Trăng…

Cụ thể, còn 31 dự án có tổng công suất 1.645 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện đang được đầu tư xây dựng, nhưng chưa vận hành thương mại. Ngoài ra, có 59 dự án đã bổ sung quy hoạch đến năm 2025, nhưng chưa ký Hợp đồng mua bán điện, với tổng công suất khoảng 2.700 MW. Bên cạnh đó, hơn 100 dự án khác đang xin ý kiến để được bổ sung vào quy hoạch.

Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân kỳ vọng, 1.600 MW điện gió sẽ vận hành trước cuối năm nay và 4.300 MW vận hành trước tháng 12/2021, trước thời điểm hết hạn giá khuyến khích điện gió theo quy định và không xảy ra tình trạng “dồn toa” xin cấp đấu nối như các dự án điện mặt trời thời điểm tháng 6/2019.

Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, với quy mô các nhà đầu tư tăng lên nhanh chóng, áp lực về giải tỏa điện thông qua hệ thống truyền tải là rất lớn. Vì vậy, trước tiên bộ rà soát các quy hoạch, trên cơ sở đánh giá tiềm năng các khu vực để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án cần thiết, quan trọng của hệ thống truyền tải, các trạm để nâng cao năng lực giải tỏa.

Ngoài ra, bộ thống nhất với EVN xác định giải pháp huy động các nguồn lực để đẩy nhanh thực hiện, những dự án đầu tư trong hệ thống truyền tải, đặc biệt đảm bảo vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các công ty điện lực địa phương, cũng như các yếu tố đấu nối kỹ thuật, vận hành an toàn và xuyên suốt của hệ thống truyền tải để giải tỏa tối đa công suất cho các dự án mới đầu tư…

Duy Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện gió tại Việt Nam (Bài 1): Giải quyết phần nào nỗi lo thiếu điện