Ngày 22/02/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024.
Chiến lược này đã mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như xu thế phát triển chung của thế giới.
Mục tiêu đặt ra trong Chiến lược năng lượng hydrogen là phát triển hệ sinh thái năng lượng hydrogen của Việt Nam dựa trên năng lượng tái tạo, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo lộ trình và cam kết của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng bền vững, công bằng, công lý.
Đồng thời, Chiến lược năng lượng hydogen đã đưa ra một loạt cơ chế, chính sách mới. Bao gồm: đa dạng hóa nguồn vốn, hình thức đầu tư, thu hút sự quan tâm đầu tư của các danh nghiệp ngoài nhà nước, sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế; tăng cường đầu tư về khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; áp dụng các công cụ thị trường thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn; ưu tiên đẩy mạnh hợp tác quốc tế và công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của nền kinh tế hydrogen và các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng sạch đến toàn xã hội.
Để triển khai có hiệu quả Chiến lược năng lượng hydrogen, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ tập trung làm tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Chiến lược. Đồng thời khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược.
Mặt khác, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, cơ chế chính sách liên quan…Tăng cường huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước để thực hiện các dự án đầu tư về năng lượng có nguồn gốc hydrogen.
Các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, bao gồm: rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành Quốc gia và quy hoạch tỉnh.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen…