Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế

Minh Hiển|07/11/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong xu thế phát triển hiện nay, nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam.

nong-nghiep-1.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp xanh

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác hữu cơ đã tăng từ 53.350 ha năm 2016 lên khoảng 237.693 ha năm 2019; có khoảng 46/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện và có phong trào sản xuất hữu cơ; số nông dân tham gia sản xuất hữu cơ là 17.168 người; số lượng DN sản xuất hữu cơ là 97 DN; tham gia xuất khẩu là 60 DN với kim ngạch khoảng 335 triệu USD/năm. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được tiêu thụ trong nước và đã xuất khẩu sang 180 nước trên thế giới, trong đó: có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Italy... là những thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ lớn nhất trên thế giới (Theo điều tra công bố năm 2020 của Tổ chức Nông nghiệp Quốc tế) (Đỗ Hương, 2020).

Thời gian qua, đã có nhiều mô hình canh tác tiên tiến được thực hiện, ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ, quy trình nuôi trồng quy chuẩn, thân thiện với môi trường và cho năng suất, chất lượng môi trường cao. Chẳng hạn như: Mô hình sản xuất rau an toàn tại tỉnh Lâm Đồng thu hút nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất và ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất hoa; Hay tại tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng mô hình trồng nấm sạch với hơn 100 trang trại tham gia, sản lượng đạt 500 tạ/năm, mô hình 130 ha rau an toàn cho sản lượng 25.000 tấn/năm.

Vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp xanh

Nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc từ năm 1986 đến nay. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Nông nghiệp đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Đặc biệt, tăng trưởng trong ngành Nông nghiệp hiện nay phần nào nhờ vào sự hy sinh về môi trường.

Do đó, nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai. Tuy nhiên, để nông nghiệp Việt Nam có thể tiệm cận với nông nghiệp xanh vẫn còn một khoảng cách khá xa và nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể:

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ, khó áp dụng các hình thức sản xuất khép kín, tập trung lớn của nông nghiệp xanh.

Muốn nông nghiệp xanh thành công phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ, do đó yêu cầu về tích tụ ruộng đất là một việc làm rất cần thiết. Thực tiễn cho thấy, Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền, đổi thửa (Điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã hoặc nông hộ có thể cho DN thuê đất. Tuy nhiên, tại hầu hết các địa phương trong cả nước, thị trường cho thuê đất nông nghiệp vẫn chưa phát triển, do hạn chế về quy mô thửa ruộng, giá trị đất nông nghiệp cho thuê không cao, chi phí giao dịch cao và công tác định giá đất của chính quyền tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Hiện nay, Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ (Nguyễn Xuân Cường, 2018) - đó là một thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến năng suất sinh học nước ta rất cao, nhưng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất rất thấp. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng khoảng một nửa (0,6 - 0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines (World Bank, 2016). Thực trạng manh mún đất đai là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa ngành Nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp xanh trong tương lai ở nước ta.

Thứ hai, yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu là rào cản lớn trong quá trình xanh hóa ngành Nông nghiệp.

Có thể thấy, điểm nhấn quan trọng trong nông nghiệp xanh chính là nhận thức về vai trò của môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ô nhiễm nông nghiệp nhìn chung ít nhận được sự quan tâm. Sự khan hiếm dữ liệu thu thập ô nhiễm nông nghiệp đã làm hạn chế khả năng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về những ảnh hưởng của nó đối với sức khoẻ con người và động vật, đa dạng sinh học, khả năng sinh lời của nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác và tổng giá trị xã hội của sản xuất nông nghiệp. Ước tính 80 triệu tấn chất thải gia súc phát sinh mỗi năm là các chất dinh dưỡng, chất gây bệnh và các hợp chất dễ bay hơi làm ảnh hưởng đến chất lượng nước, không khí và làm hư hại đất (World Bank, 2017). Cùng với đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài và nhiều lưu vực sông lớn (Trần Kiên, 2019) trong đó 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nhất. Do đó, để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề môi trường khác cần có sự hành động quyết liệt từ Chính phủ thông qua các chính sách, các cam kết; chung tay của DN thông qua đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và hành động của mỗi cá nhân đổi suy nghĩ và thói quen sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thứ ba, trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn khá thô sơ, chi phí để mua công nghệ mới quá lớn.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí ban đầu lớn, trong khi đó, năng lực đầu tư của các thành phần kinh tế vào nông nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế. DN trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng hiện đại hóa các thiết bị phục vụ nông nghiệp xanh là vô cùng khó khăn.

nong-nghiep.jpg
Nông nghiệp xanh được xem là mô hình phát triển nông nghiệp chủ đạo trong tương lai

Việt Nam đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn. Việc các thông tin về chi phí đầu vào, giá cả đầu ra vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào thương lái, chưa có kênh truyền dẫn chính thống từ các nhà làm chính sách, cơ quan quản lý đến người nông dân trong việc tiếp cận thị trường thế giới và hạn chế những rủi ro trong quá trình thích ứng với các thay đổi ngoại vi đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Thứ tư, thiếu nguồn lực tài chính cho phát triển nông nghiệp xanh.

Thị trường tài chính Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng từ đầu những năm 1990 nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Phần lớn các khoản cho vay, đặc biệt từ các ngân hàng thương mại quốc doanh được dành cho doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp tư nhân có quan hệ thân hữu, lấn át nguồn tín dụng cho những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong khu vực tư nhân trong nước. Độ bao phủ về tài chính đã tăng lên từ đầu những năm 1990, nhưng vẫn còn là một vấn đề đối với những người yếu thế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Thiếu một khu vực tài chính hiện đại và vận hành tốt là một khiếm khuyết nghiêm trọng để theo đuổi tăng trưởng xanh trong nông nghiệp.

Tận dụng tài nguyên

Nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nông nghiệp xanh hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và giúp cho người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.… đảm bảo nông nghiệp bền vững trên cả trụ cột kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xanh.

Vụ Đông Xuân 2021-2022 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi...

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí methane sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.

Hay mô hình lúa-tôm, lúa-cá… không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh. Đây là một trong những mô hình điển hình trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ có sản phẩm đặc sản, giá trị cao, người sản xuất còn bán được cả giá trị nhân văn của người dân Đồng bằng sông Cửu Long trong canh tác lúa. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao cho các sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, ngành chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế, ruồi lính đen… tạo nguồn protein làm thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.

Điển hình như trong chăn nuôi bò của Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, để tạo nguồn thức ăn, đơn vị thu mua toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp: thân cây ngô, rơm, đậu lạc…. sản xuất thành thức ăn chăn nuôi. Tận thu các phế phẩm của ngành sản xuất gỗ như: dăm, bào, mùn cưa… sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải của con bò.

Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ. Đặc biệt, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ sẽ tái chế các đệm sinh học này. Phân bón đã là nguồn thu có ý nghĩa nhất định trong thu nhập của doanh nghiệp.

Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nông nghiệp xanh là cách tối ưu hóa nguồn lực. Làm thế nào để sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng hơn nhưng tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn, đóng góp ít hơn lượng phát thải khí nhà kính.

Việt Nam có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nông dân có kỹ năng sản xuất, tăng trưởng nông nghiệp rất tốt trong nhiều năm qua. Tuy vậy, từ nền nông nghiệp thâm dụng tài nguyên khi chuyển sang nông nghiệp xanh sẽ có nhiều thách thức.

Ông Đào Thế Anh cho rằng, đầu tiên là cần thay đổi tư duy và thói quen của nông dân. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính.

Bài liên quan
  • Thách thức của biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp
    Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, hạn hán, lũ lụt... mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế