Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 2: Còn nhiều thách thức lớn

Minh Hiển|08/11/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đây không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể. Phát thải tập trung ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất, sử dụng phân bón, quản lý đất phát thải...

nong-nghiep.png
Nông nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh.

Chủ trương phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam

Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), phải hứng chịu nhiều tác động tiêu cực từ thiên tai, dịch bệnh. Theo tính toán, trong giai đoạn 2002-2010, thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước thấp nhất là 0,14% GDP (năm 2004) và cao nhất là 2% GDP (năm 2006).

Tính bình quân trong 15 năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP hằng năm. Theo các kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường (năm 2012), đến cuối thế kỷ XXI, nếu mực nước biển dâng lên 1m có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.

Nhận thức được những tác động của BĐKH đến đời sống của người dân, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế xanh. Chủ trương chủ động thích ứng với BĐKH đã được Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với BĐKH”.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 chỉ rõ: “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại…; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với BĐKH từng vùng, miền”; “Chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”.

Điểm mới xuyên suốt trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp là nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là việc tận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao khả năng thích ứng của nông nghiệp với BĐKH.

Vì vậy, để đối phó với BĐKH, ngành nông nghiệp nước ta cũng đã và đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cùng những giải pháp nhằm phát triển bền vững cho nền nông nghiệp. Những biện pháp đã được triển khai như: Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với nước biển dâng và BĐKH, bao gồm: xây dựng giải pháp quy hoạch đảm bảo 3,8 triệu ha diện tích đất lúa, trong đó 3,2 triệu ha đất canh tác 2 vụ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm phát khí thải nhà kính qua kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm” sử dụng tiết kiệm chi phí đầu vào; thúc đẩy quy trình VietGAP trong chăn nuôi; cải tiến kỹ thuật và công nghệ trong hoạt động khai thác thủy hải sản; đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu từ rừng; xây dựng các hệ thống chống ngập, nước biển dâng tại các thành phố lớn…

Thách thức trong xây dựng nông nghiệp xanh

Việc xây dựng nông nghiệp Việt Nam tiệm cận với nông nghiệp xanh còn nhiều “điểm nghẽn”.

Thứ nhất, nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên sản xuất quy mô hộ nhỏ lẻ.

Muốn nông nghiệp xanh thành công phải dựa trên điều kiện diện tích canh tác lớn, các hình thức sản xuất khép kín, tập trung để tận dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện có khoảng 9 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ với trên 70 triệu miếng ruộng. Diện tích canh tác bình quân mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam chỉ đạt 0,34 ha, chỉ bằng khoảng hơn một nửa (0,6 - 0,8 lần) so với Campuchia, Myanmar hay Philippines, theo số liệu từ World Bank.

Thực trạng manh mún đất đai là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp xanh trong tương lai, là thách thức vô cùng lớn khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung.

Chính phủ đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền, đổi thửa (Điều 78, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai), khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã hoặc nông hộ có thể cho doanh nghiệp thuê đất.

Thách thức thứ hai đến từ yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu.

Ô nhiễm nông nghiệp nhìn chung ít nhận được sự quan tâm. Sự khan hiếm dữ liệu thu thập ô nhiễm nông nghiệp đã làm hạn chế khả năng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe con người và động vật, đa dạng sinh học, khả năng sinh lời của nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác, và tổng giá trị xã hội của sản xuất nông nghiệp.

nong-nghiep-1.jpg
Công cuộc chuyển đổi số đối với nông nghiệp của Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết và phải làm nhanh

Việc thay đổi tư duy, thói quen sản xuất sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính cho 9 triệu hộ dân sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ là thách thức to lớn.

Để hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề môi trường khác, cần có sự hành động quyết liệt từ Chính phủ thông qua các chính sách, các cam kết; chung tay của doanh nghiệp thông qua đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, và hành động của mỗi cá nhân đến suy nghĩ và thói quen sản xuất nông nghiệp để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Thách thức thứ ba đến từ việc nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ.

Nông nghiệp Việt Nam được đánh giá đang ở bước ngoặt mà một số động lực tăng trưởng truyền thống đang dần suy yếu (như tài nguyên, đất đai), trong khi các động lực mới chưa được hình thành đầy đủ (khoa học công nghệ).

Do đó, làm chủ khoa học, công nghệ chính là điểm mấu chốt giúp nông nghiệp Việt Nam bứt phá và tiệm cận với nông nghiệp xanh.

Công tác phối hợp trong khoa học và công nghệ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Theo GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định hầu hết, các viện nghiên cứu và trường đại học không làm việc cùng các đơn vị thụ hưởng (doanh nghiệp và người nông dân) – những người cần và sử dụng các phát minh/cải tiến. Hệ quả là phần lớn các sản phẩm của các cơ quan nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng/người mua sản phẩm.

Hơn nữa, sự thiếu phối hợp trong kỹ thuật và chia sẻ dữ liệu cũng làm giảm hiệu quả của quá trình hoạch định chính sách.

Vấn đề thứ tư là huy động tài chính và tổ chức liên kết sản xuất. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở mức thấp, tình hình thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao hạn chế.

Nguyên nhân là bởi lĩnh vực này vốn chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh; thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Cùng với đó, quy mô, nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hạn chế khi phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệu quả chưa cao.

Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc... còn yếu.

Việt Nam cũng đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, quá trình xây dựng nông nghiệp xanh tại Việt Nam còn đối mặt với thách thức đến từ việc thiếu đánh giá và giám sát thuốc trừ sâu, phân bón, an toàn thực phẩm; thiếu chiến lược rõ ràng cho công nghệ nông nghiệp xanh; tác động từ các quy định liên quan đến thuế, phí còn hạn chế; cũng như công tác giáo dục, nâng cao nhận thức chưa có bước chuyển đáng kể.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh - Bài 2: Còn nhiều thách thức lớn