Phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam: Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia
Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển thị trường tín chỉ carbon, nhất là khi quá trình chuyển dịch xanh, giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Nước ta dự kiến sẽ thành lập, vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028.
Nhiều tiềm năng phát triển
Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng với các dự án tín chỉ carbon, có thể đến từ nhiều lĩnh vực như lâm nghiệp, nông nghiệp, nước sạch… Không chỉ có tiềm năng lớn, thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam cũng đang có cơ hội thuận lợi để phát triển. Cơ hội này đến từ xu hướng giảm phát thải, chuyển dịch xanh đang diễn ra rất mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu - được thúc đẩy bởi các Chính phủ. Trong xu hướng chuyển dịch xanh, nhiều doanh nghiệp đã cam kết và đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon. Nhu cầu tín chỉ carbon lớn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
TS Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, cơ hội để kinh doanh là tín chỉ carbon rừng. “Tôi nghĩ rằng, tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng của nước ta là rất lớn. Chúng ta cũng đang xây dựng một lộ trình, chuẩn bị một cơ chế cần thiết để từ năm 2028 có thể vận hành thị trường tín chỉ carbon bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp trong nước. Thông qua đó, các doanh nghiệp của chúng ta đều phải hướng tới phát thải ròng bằng 0 bằng cách có thể đóng thuế carbon hoặc mua tín chỉ carbon. Đây là cơ hội để hoạt động chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, kinh doanh mua bán tín chỉ carbon rừng phát triển.” - TS Ngô Sỹ Hoài nhận định.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhận được toàn bộ khoản thanh toán trị giá hơn 51 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, theo Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ mà Việt Nam ký với Ngân hàng Thế giới (WB). Cũng theo WB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải này.
Theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản chi trả mang tính bước ngoặt này đánh dấu một bước tiếp theo để Việt Nam tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Sau Bắc Trung Bộ, Việt Nam đang chuyển nhượng tiếp hơn 5,1 triệu tín chỉ carbon rừng tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026, với giá tối thiểu 10 USD/tín chỉ.
Như vậy, theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.
Hiện nay, 6 tỉnh đã triển khai Thỏa thuận giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã nhận được tiền chi trả gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Khoản tiền hơn 1.200 tỷ đồng đang được các địa phương chi trả thận trọng, theo đúng quy định, với ưu tiên lớn nhất là dành cho các cộng đồng và người dân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Tổ cộng đồng dân cư bảo vệ rừng của khu phố Cốc tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa mới đây đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất phương án chi 96 triệu đồng. Đây là khoản tiền họ được nhận từ Thỏa thuận thực hiện giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.
Cộng đồng đã thống nhất chi 20 triệu đồng cho công tác phòng chống cháy rừng, 20 triệu đồng cho tổ tuần tra bảo vệ rừng. Số tiền còn lại đầu tư các dự án xây dựng nông thôn mới như làm đường giao thông. Đây là lần đầu tiên 160 hộ dân khu phố Cốc nhận được một khoản tiền lớn thế này từ công việc họ vẫn làm hằng ngày là bảo vệ rừng, nhất là 2/3 số hộ trong khu phố Cốc thuộc diện nghèo và cận nghèo. Thu nhập chủ yếu của họ là từ chăn nuôi nhỏ lẻ và nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo quy định tại Nghị định 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, trong số tiền hơn 1.200 tỷ đồng mà Việt Nam nhận được sau khi hoàn thành việc thực hiện các nghĩa vụ 3,5% được trích lại cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
96,5% còn lại được chi cho các hoạt động của các cơ quan nhà nước, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc 6 tỉnh.
Cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường tín chỉ carbon
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, tín chỉ carbon chính là một giải pháp giúp đáp ứng các tiêu chuẩn về lượng phát thải và góp phần thực hiện các cam kết về môi trường. Đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng mua tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (RECs) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sẽ có các đơn vị, tổ chức quốc tế như các ngân hàng, quỹ đầu tư, quỹ hợp tác toàn cầu… tham gia như một phần của thị trường.
Theo ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần có các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào rừng.
Hiện nay, ngành lâm nghiệp đã có 1 luật và 16 nghị định trong tổng số hơn 60 văn bản pháp luật quy định về lâm nghiệp. Điều này cho thấy ngành lâm nghiệp đã có hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ. Đến tháng 7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156 tập trung mục đích đem lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho các chủ rừng, các doanh nghiệp kinh doanh về rừng, ban quản lý rừng, cũng như các cộng đồng sinh sống trong môi trường rừng.
Nghị định 91 đã giải quyết được nhiều vấn đề nóng, trong đó có dịch vụ môi trường rừng và tín chỉ carbon. Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trước đây có nhiều dự án đầu tư rừng gặp vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nay Nghị định 91 đã phân cấp rõ hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đơn vị quyết định duy nhất và cuối cùng về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Điều này giúp giảm nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi đầu tư vào rừng, khuyến khích đầu tư. Đặc biệt, đối tượng đầu tư dự án về rừng cũng được mở rộng, bao gồm thêm cả khu công nghiệp và cụm công nghiệp, giúp tháo gỡ nhiều vấn đề cho các tỉnh để thu hút đầu tư.
Nghị định 91 cũng quy định rõ về chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là điểm mới và nền tảng cơ bản cho các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn thu từ rừng một cách hiệu quả.
Như vậy, các chính sách văn bản hiện nay đang tạo điều kiện trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào rừng, đảm bảo sự chia sẻ lợi ích nguồn thu từ rừng. Trước kia thu nhập từ rừng chỉ có từ gỗ, hiện nay có thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon. Những nguồn thu mới này sẽ là động lực để các chủ rừng, doanh nghiệp đầu tư vào rừng phát triển rừng một cách bền vững.