Phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam (Bài 1): Hiệu quả chưa xứng với tiềm năng khai thác

An Nhiên|13/10/2020 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa bình quân năm khá cao rất thuận lợi để phát triển thủy điện lớn, vừa và nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian hơn 824 dự án thủy điện nhỏ xin cấp phép thì đến hơn một nửa số dự án buộc phải dừng lại.

Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cho đến nay, những tác động tiêu cực của thủy điện đến sinh thái, đời sống, sinh kế của người dân… đã được chứng minh qua những bài học thực tế. Tuy nhiên, thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch, như một giải pháp thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch, thủy điện bậc thang… đang gây rất nhiều hệ lụy xấu về kinh tế, xã hội, môi trường.

Các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt ra đời

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đưa ra tại Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo” cho biết, từ năm 2002, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo lập, có tổng số 824 dự án. Đến năm 2006, theo Quyết định số 2394/QĐ-BCT ngày 01/9/2006 của Bộ Công Thương quy định phân ngưỡng thủy điện thì số dự án giảm còn 714 dự án thủy điện nhỏ.

Tuy nhiên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trước năm 2013, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định và quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương, song việc quản lý còn chưa đồng bộ đã nảy sinh nhiều bất cập.

Cụ thể, có tình trạng các nhà đầu tư “chạy” xong dự án là trao đổi mua đi, bán lại mà không tổ chức triển khai thực hiện như Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã, tư vấn và nhà thầu còn vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án, hoặc vận hành khai thác, chưa kể năng lực quản lý khai thác, thiết kế dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã dẫn tới chất lượng quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng, còn vi phạm quy định về vận hành nhà máy gây bức xúc cho dư luận.

Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện bậc thang, 471 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện trong giai đoạn 2012-2018.

Loại hơn 470 dự án thủy điện nhỏ khỏi quy hoạch

Báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện yêu cầu của Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Kết quả rà soát liên tục qua 7 năm liên tục (từ 2012-2018), Bộ Công Thương đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 08 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 471 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

Về quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, ngành điện hiện đã vận hành phát điện 74 công trình (15.386,1 MW); đang thi công xây dựng 24 dự án (1.604,5 MW); đang nghiên cứu đầu tư 18 dự án (1.758,5 MW); có 3 dự án (128 MW) chưa nghiên cứu đầu tư.

Lý do của việc Bộ Công Thương mạnh tay xóa sổ hơn 470 dự án thủy điện nhỏ, theo Cục An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) là do nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa.

Những bất cập này là do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết quy định chủ đập lắp đặt thiết bị quan trắc thủy văn trên lưu vực hồ chứa như quy định về mật độ, loại thiết bị. Do đó chưa ràng buộc, chưa có cơ sở để các chủ đập lắp đặt vận hành hồ chứa hiệu quả.

Bộ Công Thương cho biết, để tiếp tục thực hiện NQ62 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ; để triển khai công tác lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện rà soát các dự án thủy điện đã có trong quy hoạch trên địa bàn do tỉnh quản lý.

Công tác rà soát tập trung vào việc đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, phương án trồng rừng thay thế, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, quy trình vận hành hồ chứa, Giấy phép khai thác nước mặt, Giấy phép hoạt động điện lực và các yêu cầu khác về môi trường; Đánh giá về công tác quản lý đầu tư, quản lý chất lượng công trình, việc thực hiện các yêu cầu về môi trường, tái định cư… của Chủ đầu tư; Các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai xây dựng; Các dự án cần tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế, về môi trường – xã hội, diện tích chiếm đất lớn…; Các dự án đã có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Các dự án thuộc diện phải điều chỉnh quy hoạch; Các dự án tiếp tục đề nghị loại khỏi quy hoạch.

Bộ cũng rà soát tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, thống kê danh mục các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Trong đó, nêu rõ giai đoạn dự kiến đầu tư xây dựng đối với dự án (giai đoạn 2021 – 2025, giai đoạn 2025 – 2030 và sau 2030) đảm bảo đồng bộ với tiến độ xây dựng hệ thống truyền tải điện trong khu vực.

An Nhiên

Bài liên quan
  • Năng lượng tái tạo (Bài 1): Xu thế không thể khác của Việt Nam
    Moitruong.net.vn – Từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam (Bài 1): Hiệu quả chưa xứng với tiềm năng khai thác