Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia. Thực tại đáng lo ngại đó đã buộc các quốc gia phải có những hành động mạnh mẽ, cùng đoàn kết để giải quyết những thách thức chung của toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26); "Cam kết đi đôi với hành động" tại COP27. Đồng thời, Việt Nam cũng là quốc gia điển hình, tích cực hưởng ứng "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái" do Liên Hợp Quốc phát động.
Trong quá trình thực hiện các cam kết mục tiêu nói trên, cây và rừng đóng vai trò rất quan trọng. Theo đó, cây có thể lưu giữ và hấp thụ lượng lớn carbon thải ra khí quyển. Tại Việt Nam, theo thống kê, độ che phủ rừng đã tăng từ 28% vào năm 1990 lên trên 42% vào năm 2022. Hệ thống cây xanh đã hấp thụ được trên 70 triệu tấn carbon. Đây là bằng chứng sinh động nhất cho thấy Việt Nam là quốc gia tích cực, tham gia có trách nhiệm để góp phần thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện các bên liên quan đã trao tặng hơn 1.000 cây xanh trưởng thành với giá trị gần 1,5 tỷ đồng để trồng tại huyện Mê Linh.
Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Thủ đô Hà Nội là nơi khởi đầu cho hành trình trồng cây trung hòa Carbon hướng đến Net Zero do Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trong 5 năm từ 2023 - 2027 với tổng kinh phí là 15 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm hưởng ứng mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0” mà Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26). Việc trồng cây bảo vệ môi trường cũng là một giải pháp góp phần ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vì một Việt Nam xanh hơn và bền vững hơn.
Để tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động của doanh nghiệp đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ đã giao Báo Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng, triển khai dự án trồng cây hướng đến Net Zero, hướng tới mục tiêu gia tăng độ che phủ của cây xanh và rừng trên cả nước, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu và hấp thụ khí CO2.
Sau Hà Nội, hành trình năm 2023 sẽ được Ban Tổ chức triển khai nghiên cứu, lập kế hoạch và trồng cây tại các địa phương khác trên cả nước. Đại diện Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, dự án trồng cây hướng đến Net Zero tập trung xây dựng các kế hoạch trồng cây một cách khoa học nhằm duy trì tỷ lệ cây xanh sống và sinh trưởng ở mức cao nhất, không để lãng phí nguồn tài nguyên xanh của tự nhiên.
Hy vọng cây xanh được trồng tại Hà Nội hôm nay sẽ là khởi đầu cho hàng ngàn, hàng triệu cây xanh khác, tạo nên những “cánh rừng Net Zero” trong hành trình 5-10 năm tới và xa hơn nữa, nhằm giảm thiểu carbon, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Net Zero còn được gọi là Carbon neutrality (trung tính carbon) là trạng thái không phát thải carbon dioxide hoặc có thể được hiểu là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển.