UBND tỉnh Phú Yên cho biết liên tục trong những năm từ 2015 đến 2019, nắng hạn kéo dài từ tháng 4 đến cuối tháng 9, các đợt nắng nóng kéo dài đã gây ra hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.
Trong khi đó, các công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng một phần nhu cầu cấp nước của người dân nông thôn trong vùng dự án, còn lại đa số người dân nông thôn vẫn còn sử dụng các hình thức lấy nước bằng giếng khoan, giếng đào; mỗi giếng thường phục vụ từ một đến vài hộ gia đình xung quanh (gọi là giếng làng), nhưng lại thường bị khô cạn nguồn nước trong mùa nắng nóng, nên đã gây ra nhiều khó khăn đời sống bà con nhân dân, đặc biệt là ở các vùng núi, ven biển cụ thể việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh qua các năm.
Xe chở nước sạch về với người dân thôn Phú Tân 2, xã An Cư (huyện Tuy An, Phú Yên). Ảnh: Hoài Nam
Theo UBND tỉnh Phú Yên, trên cơ sở đề xuất của các địa phương để khắc phục việc nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 thì cần thiết phải thực hiện 61 giếng khoan mới, 68 giếng đào mới, 52 túi chứa nước dự trữ và bồn chứa nước, sửa chữa các công trình chống hạn các năm trước đã xây dựng, vận chuyển nước ở một số khu vực không thể khoan và đào giếng mới.
Để giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trong năm 2020, trước mắt và lâu dài, theo thứ tự ưu tiên giải quyết trong năm 2020, phương án chia ra làm các giai đoạn thực hiện. Theo đó, giai đoạn ưu tiên 1: thực hiện giải pháp khoan mới 16 giếng nước, 8 túi dự trữ nước và 11 bồn chứa nước ở các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước sinh hoạt và hiện nay đã xảy ra thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân.
Giai đoạn ưu tiên 2: thực hiện giải pháp khoan mới 13 giếng và đào thêm 11 giếng nước, 6 túi dự trữ nước và 4 bồn chứa ở các khu vực khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt. Giai đoạn ưu tiên 3: Thực hiện giải pháp khoan mới 32 giếng và đào thêm 57 giếng nước, 30 túi dự trữ nước và 6 bồn chứa nước ở các khu vực khi xảy ra thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài.
Thu Hương (T/h)