Cùng tham gia với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có ông Lê Minh Ngân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ TNMT và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà đã ghé thăm và tặng quà người dân vùng lũ Quảng Bình. Ảnh: Minh Tâm
Tại buổi thị sát, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chia sẻ những khó khăn, vất vả với bà con nhân dân tại xã Quảng Lộc, TX. Ba Đồn đã chịu nhiều mất mát trong thời gian qua. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ghé thăm hỏi hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thuân thôn Vĩnh Phước Nam (năm nay đã 90 tuổi là vợ của cán bộ lão thành cách mạng Cao Thanh Bằng) và tặng quà, động viên 5 hộ gia đình khác bị thiệt hại do lũ vừa qua gây ra.
Sau khi thị sát tình hình, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao các đơn vị liên quan thuộc Bộ đặc biệt là Tổng cục Môi trường, Quỹ Bảo vệ Môi trường nắm bắt kỹ tình hình, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình, đưa ra các phương án tốt nhất để hỗ trợ giúp người dân sau lũ. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh môi trường, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho bà con trong và sau lũ.
Quá trình thị sát vùng lũ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã đề cập đến những kế hoạch và giải pháp trọng tâm của Bộ TN&MT trong thời gian tới để hỗ trợ tỉnh Quảng Bình: “Trước tình hình lũ lụt hết sức nghiêm trọng này, trên 4.000 hộ dân Quảng Bình bị ngập trong nước, nhiều địa phương bị cô lập. Trách nhiệm của Bộ TN&MT hôm nay về đây thị sát tình hình, thăm hỏi một số bà con, về gốc độ môi trường Bộ sẽ xem xét trong lũ, sau lũ để bàn với Sở TNMT có kế hoạch để khắc phục và xử lý được ngay. Bộ đã đề xuất Quỹ Bảo vệ môi trường của Trung ương sẽ phối hợp với Quỹ Bảo vệ môi trường Quảng Bình để xem xét có ngay nguồn lực thực hiện những biện pháp cấp bách đảm bảo, sức khỏe đời sống cho người dân”.
Bộ Trưởng Bộ TN&MT – Trần Hồng Hà nhắn mạnh: “Đối những vùng sử dụng nước giếng, nước mặt trước tình trạng ô nhiễm như thế này thì kéo theo vấn đề ô nhiễm và dịch bệnh, chính vì vậy phải có các biện pháp khử trùng trước khi sử dụng. Đồng thời, sau khi lũ rút thực hiện công tác làm vệ sinh làng xóm, khử trùng, tiến hành các biện pháp chăm lo sức khỏe, chú ý liên quan đến ô nhiễm nguồn nước và nước uống. Đây là một công việc ở địa phương nhiều năm đặc biệt như Quảng Bình và các tỉnh Miền Trung rất có kinh nghiệm, liên quan đến vệ sinh môi trường xung quanh, nguồn nước, an toàn nguồn nước đã có nhiều hướng dẫn, các Sở TNMT, chính quyền các cấp huyện, xã đã được tiến hành nhiều năm nên sẽ có kinh nghiệm”.
Mưa đã giảm, các vùng lũ nước đã có hiện tượng rút. Ảnh: Minh Tâm
Cũng tại buổi thị sát, ông Lê Minh Ngân – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Hiện nay mưa đã bắt đầu giảm, các vùng lũ nước đã có hiện tượng rút. Tuy nhiên, một số vùng ngập sâu như: Tân Hóa, huyện Minh Hóa và một số xã ở huyện Tuyên Hóa nước vẫn còn ngập sâu. Đối với việc khắc phục về thiên tai thì phải theo thời tiết chờ nước rút, còn ngay trước khi lụt bão địa phương đã huy động tất cả các lực lượng, nhất là theo phương châm bốn tại chỗ và chuẩn bị các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, chuẩn bị các phương tiện để đi lại, ứng phó nhanh nhất.
Trong ngày hôm qua đã chỉ đạo Bộ Đội biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động các ca nô lên di dời bà con ra khỏi vùng lũ. Còn quá trình theo dõi thường xuyên kể cả lũ đã rút, đề cao cảnh giác để kịp thời cứu hộ cho nhân dân. Lũ đã rút thì kịp thời sửa chữa các hư hại, khắc phục sản xuất. Đặc biệt là đảm bảo đời sống sức khỏe cho nhân dân, từ bảo vệ môi trường, sinh hoạt cho đến các phương tiện lưu thông, giao thông, chuẩn bị cho các em học sinh đến trường năm học mới”.
Tuy lượng mưa trên địa bàn Quảng Bình đã giảm, nhưng một số địa phương vẫn còn đang ngập sâu. Ảnh: Minh Tâm
Hiện, trên địa bàn Quảng Bình đã giảm mưa, nước tại các sông cũng đang xuống, tuy nhiên một số địa phương như rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa và một số xã của huyện Tuyên Hóa vẫn còn ngập sâu.
Minh Tâm