Quảng Bình: Canh tác giống lúa ST25 – Xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ

Minh Tâm|16/06/2022 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thời gian vừa qua, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư – Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, nhiều hộ nông dân đã sử dụng các giống lúa chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp. Từng bước chuyển đổi và đa dạng hình thức canh tác nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Vụ Đông xuân 2021-2022, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư đã thực hiện mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX SXKD DVNN Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh với quy mô 5ha và hộ anh Nguyễn Thanh Hương ở xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn 3ha.

Mục tiêu của mô hình nhằm chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ cho bà con nông dân để nhân rộng trong sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo hữu cơ, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết.

Mô hình trồng lúa hữu cơ chất lượng cao ST25 kết hợp nuôi cá của anh Nguyễn Xuân Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao

Quá trình thực hiện mô hình, HTX và hộ gia đình đều đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, đặc biệt chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học thay thế cho phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, đặc biệt là các đợt mưa rét trái vụ vào tháng 2 và tháng 4/2022, nhưng nhờ đảm bảo được các yếu tố về kỹ thuật, mô hình đã đạt được yêu cầu đề ra. Tỷ lệ giống nảy mầm tại 2 điểm thực hiện mô hình đạt 95%, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh khoẻ.

Năng suất tại HTX SXND DVNN Văn La đạt 50 tạ/ha, tại hộ ông Nguyễn Thanh Hương đạt 55 tạ/ha, mang lại hiệu quả kinh tế tương đương với sản xuất thông thường nhưng chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người và môi trường.

Việc trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, ước tính thu nhập khoảng 100 triệu đồng/vụ

Một trường hợp điển hình khác được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ kỹ thuật, giống và vật tư phân bón. Anh Nguyễn Xuân Hải, nông dân ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh đã mạnh dạn cải tạo diện tích đất ruộng hiệu quả thấp sang sản xuất lúa cá.

Anh Hải đã thực hiện mô hình với tổng diện tích 2,5 ha, trong đó diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ST25 là 2 ha. Việc trồng lúa kết hợp nuôi cá mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, do đó giảm được chi phí về sản xuất, đặc biệt là hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học, từ đó tạo ra được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mô hình sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25 của anh Hải đã tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Quá trình thực hiện mô hình, anh Nguyễn Xuân Hải được cán bộ Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc lúa và cá. Giống lúa ST25 thực hiện tại mô hình có tỷ lệ nảy mầm khá cao trên 97%, giống đẻ nhánh khá, cứng cây, chống đổ ngã tốt, năng suất thực thu 56 tạ/ha.

Đối với giống cá rô đồng, anh Hải thả nuôi khoảng 5 vạn cá giống, mật độ 2 con/m2, sau 3 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt khoảng 85%, tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng đạt khoảng 20 con/kg. Dự kiến sau 4 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt khoảng 12 con/kg, năng suất ước đạt khoảng 1 tấn/ha. Hạch toán kinh tế cho thấy mô hình sản xuất cá lúa mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên theo anh Hải, kết quả đạt được lớn nhất của mô hình là đã mở ra hướng canh tác thân thiện với môi trường do không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như sản xuất trước đây, nhờ đó đã tạo ra sản phẩm vừa an toàn vừa có chất lượng cao.

Mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ của hộ anh Nguyễn Thanh Hương ở xã Quảng Hoà, thị xã Ba Đồn với diện tích 3 ha

Anh Nguyễn Văn Hùng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư cho biết : “Đối với mô hình cá lúa, bên cạnh việc sử dụng giống cá rô đồng, bà con có thể sử dụng các giống cá như lóc, diếc, thát lát… hoặc thực hiện mô hình tôm-lúa với giống tôm càng xanh để tăng hiệu quả sản xuất do các đối tượng này sẽ hỗ trợ cho nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển”.

Hiệu quả bước đầu của các mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và trồng lúa chất lượng cao kết hợp nuôi cá đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc đa dạng hoá hình thức canh tác, từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp chất lượng, tăng giá trị sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Minh Tâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Canh tác giống lúa ST25 – Xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ