Quảng Bình: Dân sống thấp thỏm bên bờ sông Gianh sạt lở

Phan Phương|08/07/2017 07:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trước thông tin phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp tài sản, tính mạng của nhiều người dân, phóng viên đã có chuyến ghi nhận dọc đôi bờ sông Gianh, đoạn qua huyện Tuyên Hóa. Dọc bờ sông có nhiều điểm sạt lở, nhưng nghiêm trọng nhất là 2 đoạn ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa và thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa.

Một trạm bơm ở xã Đức Hóa đã bị  sông Gianh “nuốt”, ảnh:  Phan Phương

Thông tin trên Nông thôn ngày nay, ở thôn Yên Tố, xã Phong Hóa, vết sạt lở trượt dài gần 30m, ăn sâu hơn 10m vào mép đường trải bê tông. Mặt đường bị rạn nứt, lở từng mảng xuống sông. Người dân địa phương cho biết, trước đây con đường này rộng 2,5m nhưng nay chỉ còn chừng 0,5m, không ai dám đi lại.

Ông Mai Văn Thái (thôn Yên Tố) cho biết, vài tháng trước, bờ sông cách khu vườn nhà ông vài chục mét nhưng nay chỉ còn cách móng nhà hơn 1m. “Ban đêm, gia đình tôi không ngủ được, trời mưa gió là phải bật dậy đi lánh nạn vì sợ nhà đổ ụp xuống sông…” – ông Thái lo âu.

Bà Hồ Thị Bích Hà – Chủ tịch UBND xã Phong Hóa cho biết, tình hình sạt lở không chỉ ở thôn Yên Tố, các thôn khác của xã Phong Hóa như: Minh Cầm Nội, Minh Cầm Ngoại… bờ sông Gianh bị sạt lở với tổng chiều dài trên 200m, lấy mất đất canh tác và uy hiếp trực tiếp đến cuộc sống người dân nơi đây…

Trong khi đó, tại thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa, những năm trước sông Gianh đã “nuốt” mất con đường giao thông bê tông liên thôn và cuốn trôi luôn 1 trạm bơm xuống lòng sông. Sau đó, chính quyền địa phương và người dân phải mở một con đường mới nhưng bờ sông Gianh vẫn liên tục sạt lở nghiêm trọng và hiện đã uy hiếp trực tiếp đến con đường này.

Sạt lở do đâu?

Trao đổi với phóng viên, bà Hồ Thị Bích Hà cho biết, trước tình hình sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, xã đã kiến nghị các ban, ngành chức năng. Sau đó, các đoàn đã về kiểm tra, khảo sát, thăm dò địa chất, xác định nguyên nhân ban đầu là do lòng sông Gianh rộng với độ dốc cao tạo nên dòng chảy mạnh gây áp lực. Vì thế, khi lũ tràn về bị ảnh hưởng trực tiếp, gây xói mòn, sạt lở bờ sông. Đoàn khảo sát đánh giá việc khai thác cát trên sông “không ảnh hưởng” đến tình trạng sạt lở.

Trong khi đó, phản ánh với phóng viên, nhiều người dân địa phương khẳng định, ngoài việc ảnh hưởng của thiên tai lũ lụt, sông Gianh bị sạt lở nghiêm trọng còn do nạn khai thác cát, sạn quá mức. “Ban ngày thì họ (tàu hút cát) hút ở khu vực được cấp mỏ nhưng ban đêm, họ lại kéo nhau đến những chỗ không được cấp phép để hút cho có cát. Kể cả những chỗ sạt lở nghiêm trọng như ở Đồng Lâm thì nhiều tàu vẫn lén lút hút cát trong đêm…” – ông Đoàn Xuân Niệm, một người dân ở xã Đức Hóa phản ánh.

Những hôm có mặt trên sông Gianh đoạn chảy qua xã Phong Hóa, Đức Hóa… chúng tôi cũng chứng kiến nhiều tàu thuyền hút cát vẫn miệt mài làm việc. Trên tàu, từng dàn máy với ống hút cỡ lớn cắm sâu xuống lòng sông. Tiếng máy nổ vang inh ỏi cả một khúc sông, trong khi cách đó không xa là vùng sạt lở.

Ông Cao Xuân Tín – Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, hiện trên sông Gianh chảy qua địa bàn huyện có hơn 10 đơn vị được cấp mỏ khai thác. Về tình trạng khai thác cát lậu trên sông Gianh, ông Tín thừa nhận vẫn còn tồn tại. “Thời gian gần đây chúng tôi liên tục tuần tra, kiểm soát và xử lý nên bây giờ họ không còn hoạt động công khai như trước đây mà chuyển qua lén lút làm vào ban đêm. Có đêm chúng tôi bắt được 1 đến 2 thuyền…” – ông Tín nói.

Phan Phương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Bình: Dân sống thấp thỏm bên bờ sông Gianh sạt lở