Ngày 13/12, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng cho biết vừa tiếp nhận 1 cá thể khỉ mặt đỏ có tên khoa học là Macaca arctoides do một người dân tự nguyện giao nộp thông qua Hạt Kiểm lâm thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Tại thời điểm tiếp nhận, cá thể khỉ mặt đỏ này phản xạ chậm, đã suy giảm tính hoang dã vốn có.
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật sau khi tiếp nhận sẽ tiến hành chăm sóc, nuôi dưỡng và huấn luyện để cá thể khỉ mặt đỏ này phục hồi tập tính hoang dã, đảm bảo sức khỏe trước khi thả về môi trường tự nhiên.
Khỉ mặt đỏ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB, được bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên nhiều cá thể động vật quý hiếm cần được bảo tồn và phát triển khác.
Đáng chú ý, chỉ trong tháng 4 và tháng 11 năm nay, Trung tâm đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thả 36 cá thể động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm về với môi trường tự nhiên tại Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trong 36 cá thể được thả có nhiều loài thuộc diện nguy cấp, quý hiếm như: Rùa Pulkin (tên khoa học Cyciemys puichristriata); Rùa bốn mắt (tên khoa học Sacalia quadirocellata); Cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus hemaphroditus), Khỉ cọc (Macaca arctoides); Khỉ đuôi lợn (Macaca leonina); Rùa hộp trán vàng Miền Bắc (Cuora galbinifrons); Rùa sa nhân (Cuora mouhotii); Rùa Núi viền (Manouria impressa); Mèo rừng (Prionailurus bengalensis); Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus).
Các cá thể động vật hoang dã nêu trên đã được cứu hộ, chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, đảm bảo đủ điều kiện sinh tồn trước khi được thả về môi trường tự nhiên.