Bình Phước: Thêm 162 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Từ Mẫn|11/12/2023 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công bố quyết định công nhận 162 cây cổ thụ tại Tiểu khu 379 rừng Mã Đà là Cây di sản.

UBND huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) phối hợp Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Tập đoàn Trường Tươi, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú tổ chức Lễ công nhận quần thể 162 cây di sản Việt Nam tại rừng Mã Đà và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Theo đó, 162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379, huyện Đồng Phú được công nhận cây di sản thuộc 15 loài gồm: bằng lăng: 9 cây, bình linh: 4 cây, chiêu liêu: 4 cây, gõ mật: 1 cây, tung: 2 cây, chôm chôm: 1 cây, hoàng linh: 1 cây, ươi: 1 cây, mít rừng: 2 cây, dầu: 1 cây, sộp: 1 cây, xoan đào tía: 1 cây, chò chay: 2 cây , kháo: 2 cây, kơ nia: 130 cây. Trong đó, 117 cây trên 500 tuổi, 18 cây trên 900 tuổi, 7 cây trên 1.000 tuổi, 1 cây khoảng 1.230 tuổi.

cay-di-san.jpeg
162 cây cổ thụ tại tiểu khu 379, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước được công nhận là cây di sản

Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị của quần thể cây di sản Việt Nam tại rừng Mã Đà; đồng thời lan tỏa niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn di sản đến các tầng lớp nhân dân cũng như ghi nhận những đóng góp của các cá nhân, tổ chức, những người cựu chiến binh đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng.

Lễ công nhận quần thể cây di sản cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của lãnh đạo huyện Đồng Phú nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung đối với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát huy các giá trị di sản trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay, góp sức chăm sóc, bảo vệ rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đề nghị, các sở, ban, ngành cùng chung tay, phối hợp với UBND huyện Đồng Phú, đơn vị chủ rừng, đơn vị trực tiếp quản lý cây và nhân dân địa phương cùng bảo vệ và phát triển quần thể cây di sản để làm tốt việc tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường tự nhiên. Đồng thời, quảng bá rộng rãi sự phong phú, đa dạng và giá trị khoa học của hệ thực vật đến công chúng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước; tạo nguồn thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu… Qua đó, đưa rừng Mã Đà trở thành điểm đến lịch sử, văn hóa của tỉnh.

Khu rừng Mã Đà có diện tích hơn 512 ha được xem là một trong những khu rừng còn nguyên vẹn nhất tại tỉnh Bình Phước và còn được biết đến với căn cứ cách mạng chiến khu D huyền thoại từng là trụ sở của Bộ Tư lệnh miền Đông - nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nhiều lãnh đạo lão thành hoạt động cách mạng.

Nơi đây vẫn còn giữ được dấu tích của hầm, hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá…còn lại từ thời kháng chiến gian khổ năm xưa. Khu rừng cổ thụ này không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là lá phổi xanh của khu vực miền Đông Nam bộ và đang được những người cựu chiến binh bảo vệ nghiêm ngặt. Với nguyện vọng là giữ rừng bền vững để phát triển du lịch sinh thái, tôn tạo di tích lịch sử nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình Phước: Thêm 162 cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam