Quảng Nam chú trọng thực hiện Đề án chất thải rắn nông thôn

Như Đồng|13/10/2021 13:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhờ Đề án chất thải rắn (CTR) nông thôn đã giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mở rộng thêm địa bàn thu gom CTR trong cộng đồng dân cư trong tổ, thôn, đường nhỏ, kiệt hẻm. Qua đó, đã khắc phục đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi ra môi trường, xóa bỏ được nhiều điểm rác công cộng tự phát, góp phần bảo vệ môi trường vùng nông thôn.

Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án quản lý chất thải rắn nông thôn nhằm triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom rác thải, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để hỗ trợ công tác thu gom, vận chuyển CTR phục vụ Đề án, UBND tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 12 xe chuyên dụng với tổng kinh phí khoảng 26,9 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ban đầu, theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các huyện, kinh phí cấp huyện, xã hỗ trợ cho công tác quản lý CTR vùng nông thôn gần 81 tỷ đồng.

Xử lý, thu gom rác thải nông thôn đã có nhiều chuyển biến

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, từ khi triển khai Đề án, số lượng các xã được tổ chức thu gom rác thải tăng lên đáng kể, từ 107 xã trước năm 2013 đến nay đã có 179 xã. Tổng số hộ tham gia Đề án là 246.004/310.517 hộ (đạt 79%) và trong số 179 xã đang thực hiện Đề án thì có 152 xã đã triển khai thu gom CTR trên toàn địa bàn (đạt 85%). Theo số liệu báo cáo của các địa phương tổng số tiền phí vệ sinh thu được khoảng 143,35 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Đề án đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR ở vùng nông thôn. Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam, chất lượng quản lý CTR ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững. Nhiều địa phương chưa cân đối được kinh phí hoạt động quản lý CTR nông thôn đến phải tạm ngừng thu gom.

Ngoài ra, một số địa phương có tần suất thu gom CTR thấp (01 lần/tuần hoặc dài hơn), thời gian lưu rác tại hộ gia đình và các điểm tập kết lâu dẫn đến phát sinh mùi hôi, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Từ khi triển khai Đề án, số lượng các xã, thôn được tổ chức thu gom rác thải tăng lên đáng kể

Nhiều điểm nóng về rác thải vẫn còn tồn tại dai dẳng như bến cá An Lương, chợ Nam Phước (huyện Duy Xuyên), bãi biển Bàn Than (xã Tam Hải, huyện Núi Thành). Ngoài ra, còn 14 xã nằm trong lộ trình thực hiện đề án nhưng chưa triển khai và 3 xã đã triển khai nhưng ngừng do không đủ kinh phí duy trì hoặc năng lực đơn vị dịch vụ không đảm bảo thực hiện.

Bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam cho rằng, bên cạnh nhận thức về bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân chưa đầy đủ nên việc nộp phí tại các địa phương trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn thì việc chỉ đạo của nhiều địa phương thiếu quyết liệt, không sâu sát và thiếu sự kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc triển khai Đề án. Một số địa phương quản lý CTR còn hình thức, chạy theo thành tích để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo thời điểm, thiếu bền vững.

“Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý rác thải rắn nông thôn, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phân vùng và giao trách nhiệm thu gom CTR và giữ gìn vệ sinh môi trường. Tiếp tục huy động sự đóng góp của cộng đồng trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTR thông qua việc nâng cao tỷ lệ thu tiền phí vệ sinh trong dân trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”” bà Hạnh cho hay.

Theo dự kiến, cuối năm 2021, Khu xử lý rác thải Bắc Quảng Nam hoàn thành đưa vào vận hành. Đồng thời, Khu xử lý Nam Quảng Nam cũng phấn đấu hoàn thành trước 31/12/2023 nhằm giải quyết bài toán rác thải nông thôn của địa phương.

Như Đồng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam chú trọng thực hiện Đề án chất thải rắn nông thôn