Sau các đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất là trong hai năm 2021 - 2022, chính quyền TP.Tam Kỳ đã tích cực vào cuộc nhằm tìm các giải pháp hữu hiệu giải quyết bài toán ngập lụt, cải thiện môi trường sống cho người dân.
Đến nay, đề án thoát nước nội đô TP.Tam Kỳ do thành phố phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên nước (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) thực hiện đã có kết quả và được báo cáo tại hội thảo hồi giữa tháng 7.
Theo đó, có 3 nhóm giải pháp thoát nước nội đô Tam Kỳ, trong đó cấp bách là phải cắt nguồn nước từ phía tây chảy vào thành phố, đầu tư xây dựng tuyến cống ngầm và nâng cấp các công trình thoát nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy, thêm chức năng điều tiết nước các hồ điều hòa để góp phần thoát nước đô thị khi có mưa lũ…
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, chống ngập cho Tam Kỳ không chỉ bó hẹp ở phạm vi nội tại đô thị Tam Kỳ mà phải chống ngập từ xa. Từ đó, đề tài khoa học về giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ và vùng phụ cận do Sở KH-CN phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng thực hiện trong 2 năm qua và cũng vừa được tổ chức hội thảo lần 2 vào đầu tháng 9/2023.
Qua nghiên cứu, đánh giá thực địa, mở rộng không gian nghiên cứu ra các vùng phụ cận, nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt Tam Kỳ chưa từng có trong những năm qua được nhóm nghiên cứu xác định ngoài việc nước ở nội đô không thoát được còn có nguồn nước ngoại lai từ phía tây (huyện Phú Ninh) và phía bắc (Thăng Bình) đổ về quá nhiều. Thế nên, bên cạnh các giải pháp nhằm chống ngập bên trong đô thị Tam Kỳ còn đầu tư 3 tuyến phân lũ trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Theo PGS-TS. Nguyễn Chí Công - chủ nhiệm cả 2 đề tài cấp tỉnh và thành phố, ngoài giải pháp nội tại đô thị Tam Kỳ thì việc sớm cắt lũ, phân lũ ngoại lai từ hướng Phú Ninh và Thăng Bình không cho đổ vào thành phố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến việc giảm ngập cho đô thị tỉnh lỵ. Sau các hội thảo vừa qua, hiện nay cả 2 đề tài đang chờ nghiệm thu để đưa vào triển khai trong thời gian tới, hy vọng giúp đô thị Tam Kỳ thoát khỏi tình cảnh ngập úng khi mùa mưa đến.
Tại hội thảo khoa học đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ hồi cuối năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nhấn mạnh, ngoài cung cấp cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân, đưa ra giải pháp chống ngập lụt đô thị Tam Kỳ, đây là cơ sở để các sở, ban, ngành của tỉnh và TP.Tam Kỳ điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng công trình mới và cải tạo hệ thống thoát nước ngay từ bây giờ.
Thực tế không lâu sau đó, HĐND TP.Tam Kỳ đã thông qua chủ trương đầu tư, quyết định bổ sung hai danh mục dự án giảm ngập, thoát nước đô thị với tổng vốn đầu tư 370 tỷ đồng, bao gồm tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương 250 tỷ đồng và tuyến kênh cắt lũ ngoại lai phía tây đường Nguyễn Hoàng qua cống Ông Dung 120 tỷ đồng.
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ nêu rõ, việc bổ sung hai dự án thoát nước đô thị để kịp thời triển khai các giải pháp thoát nước, giảm ngập lụt khu vực nội thị; cũng là một trong những giải pháp được thực hiện đồng loạt trong thời gian tới nhằm giảm ngập mà đề tài nghiên cứu tổng thể về nguyên nhân, đề xuất các giải pháp kỹ thuật khả thi hướng đến hạn chế tác động của lũ lụt.
Thời gian qua, một số công việc đang được Tam Kỳ tích cực triển khai. Dự án tuyến cống ngầm đường Trưng Nữ Vương trong giai đoạn chuẩn bị đấu thầu; các cửa xả được đầu tư cải tạo, mở rộng, nạo vét cho thông thoáng; vớt bèo ở các hồ điều hòa để tăng dòng chảy...
Theo ông Trần Nam Hưng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, thành phố ưu tiên cho các dự án tạo ra nguồn lực mới, trong đó giảm ngập lụt khu vực nội thị đang là yêu cầu hết sức bức thiết cần tập trung triển khai để sớm khắc phục nhằm hạn chế tác động của lũ lụt, giúp ổn định đời sống của người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Với các giải pháp tổng thể của tỉnh đối với các vùng phụ cận Thăng Bình, Núi Thành cùng nỗ lực của thành phố, hy vọng bài toán ngập lụt trong khu vực nội đô Tam Kỳ sớm được giải quyết.