Tính đến ngày 10/10 vừa qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 62 vụ cháy làm 4 người chết, gây thiệt hại hơn 211 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ là hơn 54 ha; rừng sản xuất là hơn 110 ha và rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp là hơn 46 ha.
Ngoài ra, nắng hạn gây thiệt hại trên phần diện tích hơn 1.309 ha. Trong đó, diện tích cây rừng là hơn 1.307 ha; diện tích rừng giống là hơn 2,2 ha.
Quảng Ngãi tích cực trồng rừng tập trung sau thiên tai, Ảnh minh họa
Để hỗ trợ cho các chủ rừng bị thiệt hại do thiên tai vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo số 2819/BC-SNNPTNT về việc đề nghị xin hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh với tổng số tiền hơn 17,1 tỷ đồng. Cụ thể, kinh phí khôi phục rừng cháy là gần 5,7 tỷ đồng; kinh phí để khôi phục rừng khi cây rừng bị chết do nắng hạn là gần 11,5 tỷ đồng.
Đối với diện tích cây rừng, rừng giống bị thiệt hại từ 30-70% sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; còn đối với diện tích bị thiệt hại hơn 70% sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Đối với cây Quế trội (lớn) bị chết được hỗ trợ 2 triệu đồng/cây.
Sở cũng đã đề ra các giải pháp phục rừng sau cháy, nắng hạn. Đáng chú ý là yêu cầu các tổ chức tín dụng tạm thời khoanh nợ đối với các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, bị thiệt hại về lâm nghiệp do hạn hán, cháy rừng vừa qua nhằm tháo gỡ một phần khó khăn để người dân sớm ổn định cuộc sống (diện tích rừng sản xuất). Ngoài ra, Sở còn tổ chức khai thác tận thu và nhanh chóng hỗ trợ đầu tư trồng rừng, phục hồi lại rừng sau thiệt hại nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ, phá vỡ quy hoạch lâm nghiệp.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân gây cháy rừng đa số là do ý thức trách nhiệm của một bộ phận người dân chưa cao. Do địa hình rừng núi, khó phát hiện, thiếu thông tin, chứng cứ liên quan nên lực lượng Kiểm lâm chỉ mới phát hiện, xử phạt được 2/62 vụ, với số tiền hơn 10,5 triệu đồng. Điển hình là các trường hợp ông Hồ Văn Cu, đốt rẫy gây cháy lan vào rừng trồng keo 5 năm tuổi tại lộ 108, khoảng 9, tiểu khu 81 thuộc xã Trà Phong, huyện Tây Trà bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 triệu đồng; ông Lê Văn Long, đốt thực bì gây cháy lan vào rừng trồng keo 3 năm tuổi tại khoảng 3, tiểu khu 335 thuộc xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.
Ngọc Trâm (T/h)