Quảng Ngãi: Ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm để xâm hại rừng

Hoàng Thơ |06/12/2024 17:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát để chặt phá rừng, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cam kết giám sát chặt chẽ, đảm bảo chính sách an sinh không ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về việc tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ, phòng tránh tình trạng lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát để xâm hại rừng.

Theo Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 12/11/2024 của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, mục tiêu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9.806 hộ trên địa bàn tỉnh.

Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, giúp cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở từng bước ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

quang-ngai-1.jpg
Quảng Ngãi ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm để xâm hại rừng

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung, mục đích, ý nghĩa của chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; quán triệt, khuyến khích các hộ gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát sử dụng vật liệu xây dựng khác thay thế vật liệu gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.

Trường hợp sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên phải đảm bảo gỗ có hồ sơ lâm sản hợp pháp. Tổ chức ký cam kết không sử dụng vật liệu gỗ có nguồn gốc tự nhiên mà không có hồ sơ lâm sản hợp pháp; kiên quyết không hỗ trợ đối với các hộ gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát vi phạm cam kết.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan bám sát địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt thông tin từ cơ sở để ngăn chặn và xử lý kịp thời việc lợi dụng chủ trương để thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật; không để xảy ra "điểm nóng" trên địa bàn.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân nếu để xảy ra việc lợi dụng chủ trương để khai thác gỗ rừng tự nhiên làm nhà; thực hiện các hành vi mua, bán, trao đổi gỗ có nguồn gốc tự nhiên trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm triển khai cho các đơn vị trực thuộc chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại các địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh, nhất là địa bàn các huyện trung du và miền núi.

Yêu cầu Hạt Kiểm lâm chỉ đạo Kiểm lâm làm việc tại địa bàn xã, phường, thị trấn bám sát cơ sở tham mưu cho chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhà nước giao rừng gắn với giao đất; nắm chắc danh sách các hộ gia đình thuộc đối tượng xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, để vận động, tuyên truyền “sử dụng gỗ có nguồn gốc tự nhiên đảm bảo có hồ sơ lâm sản hợp pháp”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Ngăn chặn việc lợi dụng chủ trương xóa nhà tạm để xâm hại rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.