Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ngô Văn Dụng cho biết, trong sáng 21/10, UBND huyện đã phối hợp với Đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đi kiểm tra thực tế tại các khu vực biển Khe Hai, thôn Trung An, xã Bình Thạnh lấy các mẫu nước biển dọc bờ biển để phân tích các thông số cơ bản nhằm xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng nước biển Khe Hai đổi màu trong những ngày gần đây.
Đoàn công tác do Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đi kiểm tra thực tế tại các khu vực biển Khe Hai
Theo đó, đoàn kiểm tra đã đi thực tế tại các khu vực: biển Khe Hai, thôn Trung An; khu vực nuôi tôm thôn Hải Ninh; Sông Trà Bồng tại Cầu trà Bồng xã Bình Thạnh; Khu vực cửa biển thuộc thôn Sơn Trà xã Bình Đông (khu nhà điều hành Cảnh Sát biển); khu vực cảng thuộc Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi.
Tại khu vực bờ biển Bình Thạnh từ cửa biển Sa Cần đến hết thôn Trung An giáp Núi Thành, tỉnh Quảng Nam (dài khoảng 5km) nước biển có màu vàng sẫm (như nước chè hai), nổi bọt kèm theo một ít thực vật biển, không có mùi đặc trưng; tập trung trải dài từ cửa biển Sa Cần thuộc thôn Hải Ninh đến hết khu vực Khe Hai, Trung An, xã Bình Thạnh, không có hiện tượng cá chết, không có mùi hôi.
Nước biển Khe Hai ghi nhận trong sáng 21/10
Theo người dân buôn bán và đi biển ở khu vực này cho biết hiện tượng này đều xảy ra thường niên (trừ năm 2019 có màu đen như cà phê). Nhận định ban đầu không phải do tràn dầu gây ra và không phải vệt dầu loang.
Tại khu vực cảng xuất dăm Hào Hưng vào thời điểm kiểm tra nước trong khu bến cảng bình thường, có lẫn ít đăm và nước dăm gỗ nhưng không đáng kể. Nước trong khu bến cảng ổn định, không có vệt bất thường.
Kiểm tra khu vực cửa biển Sa Cần
Đoàn công tác của Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy các mẫu nước biển dọc theo đường bờ biển để phân tích các thông số cơ bản nhằm xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Đoàn kiểm tra khu vực cảng thuộc Công ty Hào Hưng Quảng Ngãi
Nhận định ban đầu bằng mắt thường, hiện tượng trên có các khả năng xảy ra: Do phân hủy các loài tảo biển bị sóng đánh trôi dạt vào bờ; bùn, chất thải nuôi trồng thủy sản tích tụ từ sông Trà Bồng do biển động, sóng đánh nổi lên mặt dạt vào bờ (chưa xác định nguyên nhân).
Hình ảnh phóng viên ghi nhận sáng 20/10 ở biển Khe Hai
Như trước đó, Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã có bài phản ánh “Quảng Ngãi: Nước biển Khe Hai đổi màu lạ, người dân lo lắng”, liên tục trong mấy ngày qua, cùng với màu nước biển đen là bọt sủi màu vàng ố, có nơi nổi thành váng trên bề mặt, phân bố thành từng mảng lớn, liên tục dạt vào bờ.
Phía bên ngoài mé biển, sau những đợt sóng vỗ vào và rút đi thì để lại váng bọt nước màu vàng, còn bên trong là váng như bọt màu đen. Khi sóng biển rút ra, để lại bờ cát bọt váng nổi lên dọc bãi cát như váng mỡ, có màu vàng sậm. Đáng nói là, sóng biển đen không tập trung một chỗ, nhiều km dọc bãi tắm biển Khe Hai đều có chung tình trạng tương tự.
Như Đồng