Quảng Ngãi: Trồng rau trái vụ theo hướng an toàn sinh học góp phần phát triển kinh tế nông thôn

Đức Biền|09/01/2022 23:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều hộ nông dân tại Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng mô hình trồng rau trái vụ theo hướng an toàn sinh học đem lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Năm nay, bà con tập trung gieo trồng các loại như dưa leo, khổ qua, đậu cô ve… cung ứng ra trong và ngoài huyện, đặc biệt là phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng rau trái vụ

Xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, là một xã miền núi tại Quảng Ngãi. Nơi đây có đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho việc trồng rau sạch. Ngành nông nghiệp và người dân địa phương đã chú trọng vào các mô hình rau trái vụ đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, nhiều hộ nông dân tại xã đã mạnh dạn đầu tư trồng cây dưa leo, khổ qua bởi đặc tính dễ trồng, chi phí thấp, ít bị sâu bệnh vào mùa mưa. Mỗi hộ trồng từ 1.000 mét vuông đến 2.500 mét vuông. Sau 40 đến 50 ngày xuống giống, dưa leo khổ qua sẽ cho quả, thu hoạch kéo dài 15 đến 25 ngày. Giúp người có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như để tích lũy đầu tư cho vụ mùa chính trong năm.

Gia đình ông Nguyễn Bộ, trú xã Hành Tín Tây gieo trồng 1.500 mét vuông khổ qua trái vụ, theo quy trình sản xuất an toàn sinh học, thu hoạch được 4,5 tấn quả, trừ chi phí còn lãi trên 30 triệu đồng. Nhờ sản xuất theo hướng an toàn sinh học nên khổ qua được người tiêu dùng ưa chuộng, không lo đầu ra. Từ đó, gia đình yên tâm sản xuất không phải lo giá cả thị trường bấp bênh.

Vườn dưa trái vụ đang trong giai đoạn thu hoạch

Tương tự gia đình ông Bộ, ông Phan Hai, trú xã Hành Tín Tây xuống giống dưa leo với diện tích 1.000 mét vuông ở vùng đất gò đồi. Nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng hướng đến sản phẩm rau sạch, do vậy, trong quá trình chăm bón gia đình thực hiện theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật, dưa phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu trái cao, bình quân 500 mét vuông ông thu được 1,2 tấn trái dưa leo, giá bán hiện nay 10 nghìn đồng/kg, ông Hai thu lãi 12 triệu đồng.

“Quan điểm của tôi là không cho đất nghỉ và không chờ mùa vụ đến. Đối với nhiều người, đây có thể là cách làm chưa hợp lý, song nhiều năm qua gia đình tôi đều có thu nhập khá nhờ trồng rau màu trái vụ”, ông Hai bộc bạch.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, trồng rau trái vụ theo hướng an toàn sinh học không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng, nâng cao giá trị trên 1ha canh tác, đặc biệt là tránh được tình trạng được mùa, mất giá.

Đồng hành cùng người nông dân góp phần cải thiện đời sống

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bình Sơn triển khai thực hiện mô hình trồng rau trái vụ “Mô hình Sản xuất rau an toàn: Canh tác cây dưa leo, khổ qua” tại xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) trên diện tích 0,5 ha với 02 hộ tham gia. Mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho hộ gia đình và góp phần cải thiện đời sống của người dân ở địa phương.

Trồng rau trái vụ – Hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông thôn

Anh Nguyễn Hồng Sanh, hộ tham gia mô hình cho biết, trước đây vùng đất này gia đình chủ yếu trồng lúa, nhưng hiệu quả  không cao vì thiếu nước tưới. Khi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ kinh phí và cử cán bộ xuống tận ruộng hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện mô hình; nhờ tiếp cận, áp dụng những kỹ thuật mới trong sản xuất nên mô hình cho năng suất cao. Tính đến thời điểm thu hoạch vừa được mùa lại được giá, riêng cho từng loại như khổ qua có năng suất 17,70 tấn/ha và dưa leo 17,75 tấn/ha, với giá bán dưa leo 9.500 đồng/kg và khổ qua 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí nông dân cũng thu được số tiền khá lớn, hơn 400 triệu đồng/ha.

“Khi tham gia thực hiện mô hình được nhà nước hỗ trợ 70% giống, vật tư và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật thực hiện mô hình. Sản xuất rau theo hướng an toàn giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm công sức làm đất. Rau trái vụ không chỉ nâng cao thu nhập mà góp phần tăng nguồn cung cấp rau an toàn cho thị trường trong và ngoài huyện”, anh Sanh cho hay.

Mô hình trồng rau trái vụ được triển khai đã giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất, có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đặc biệt cung ứng ra thị trường lượng thực phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đức Biền

Bài liên quan
  • Quảng Ngãi: Người trồng hoa “đánh cược” với thị trường
    Moitruong.net.vn – Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán 2022, nông dân trồng hoa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã bắt đầu xuống giống các loại hoa dài ngày. Thời tiết hiện khá thuận lợi cho vụ sản xuất, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều nông dân tỏ ra khá dè dặt và lo lắng cho thị trường cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ngãi: Trồng rau trái vụ theo hướng an toàn sinh học góp phần phát triển kinh tế nông thôn