Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Minh Châu|18/09/2020 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản ở tỉnh Quảng Ninh phải được quan tâm đúng mức nhằm đạt được yêu cầu phát triển bền vững.

Xác định hoạt động khai thác khoáng sản luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu tới môi trường, do vậy, trong thời qua công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác khoáng sản luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng.

Quảng Ninh có nhiều loại khoáng sản có giá trị công nghiệp, trong đó quan trọng nhất là than đá (chiếm trên 90% trữ lượng cả nước), tiếp đến là đá vôi, sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng, các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, pyrophylit, cát thủy tinh, đá granit…

Khu vực phía Bắc Công ty Than Hòn Gai (TP Hạ Long) được hoàn nguyên phủ nhiều cây xanh trên diện tích bãi thải. 

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 131 dự án khai thác khoáng sản (trong đó 59 dự án khai thác than, 72 dự án khai thác vật liệu xây dựng và 1 Nhà máy thủy điện Khe Soong, công suất 3,6MW). Trong đó, than đá có trữ lượng lớn (tập trung tại khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều) được thăm dò, khai thác, tiêu thụ và sử dụng phù hợp với quy hoạch. Ngoài ra còn có các mỏ đá vôi, đất sét, cát san lấp, cao lanh… phân bố rộng khắp tại các địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Đông Triều và một số huyện miền Đông. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, cải tiến thiết bị và hạn chế những tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm soát môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn, đảm bảo trước khi đi vào vận hành các dự án phải thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, hoàn thành các công trình, biện pháp BVMT, xử lý chất thải…

Các địa phương cũng chủ động quản lý hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn; kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến GPMB, các thủ tục pháp lý về đất đai, khoáng sản và BVMT nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về phía các đơn vị khai thác khoáng sản (đặc biệt là các đơn vị khai thác than) cơ bản thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về khoáng sản, đất đai, BVMT; thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình BVMT nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tác động đến môi trường. Chỉ tính riêng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hàng năm chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác này. Tập đoàn cùng với Tổng Công ty Đông Bắc tập trung triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020 với hơn 100 công trình, hạng mục. Ngoài ra, TKV còn thực hiện bổ sung 12 hạng mục, công trình ngoài Đề án với tổng kinh phí trên 127 tỷ đồng.

Các đơn vị khai thác khoáng sản ngoài than trên địa bàn đã có hệ thống rãnh, hố lắng thu gom nước mưa chảy tràn để lắng cặn trước khi thải ra môi trường. Một số đơn vị tận dụng nước mưa chảy tràn sau khi lắng cặn để tuần hoàn tưới nước dập bụi, phục vụ sản xuất, tạo cảnh quan môi trường. Các đơn vị đã chủ động thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và nộp tiền ký quỹ theo quy định…

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với BVMT, không chỉ giúp việc khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá mà còn là cơ sở để phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản