Người dân “bức xúc” vì ô nhiễm
Vừa qua, phản ánh của người dân thôn Lập Thành, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai tới Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn về các nhà xưởng tại khu vực Đồi Sò hoạt động gây ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép. Trong đó, đặc biệt có công ty chuyên nghiền xương cá, đầu cá, phối trộn để sản xuất thức ăn chăn nuôi gây mùi hôi thối phát tán ra khu dân cư xung quanh rất khó chịu, khiến người dân vô cùng bức xúc. Trước sự việc này, người dân đã phản ánh tới UBND xã nhưng tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết, xử lý triệt để.
Anh B.C.H – Bảo vệ một nhà xưởng gần công ty thức ăn chăn nuôi chia sẻ: “Hôm nào mà công ty nghiền đầu cá, xương cá thì phát sinh ra mùi thối rất khó chịu, cả khu vực này ngập tràn mùi thối luôn. Người dân kêu ca, phàn nàn về chỗ này nhiều lắm rồi, thậm chí cũng đã làm đơn gửi UBND xã, xã về kiểm tra nhưng vẫn không thấy họ có chuyển biến gì, không có biện pháp hạn chế mùi, vẫn làm bình thường. Trời mưa, nước thải từ trong công ty trôi xuống khe nước của các hộ gia đình bên dưới mùi kinh lắm”.
Chị N.T.T, người dân thôn Lập Thành cho biết: “Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở đồi Sò chủ yếu xả thải vào ban đêm, mùi rất nồng, ngấy. Tối đến nhà tôi phải đóng cửa về nhà ngủ vì ở đây mùi rất khó chịu, không ngủ được”.
Ngoài ra, nhiều người dân thôn Lập Thành vô cùng bức xúc trước việc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nghiền xương cá gây mùi vô cùng hôi tanh, trời mưa dầu bẩn, nước bẩn trôi xuống khu dân cư gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Để có thông tin khách quan đa chiều, phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – moitruong.net.vn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Đông Xuân, ông Bạch Văn Nhân – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các công ty ở khu đồi Sò đã tồn tại từ lâu rồi. Do tôi và cán bộ chuyên môn mới nhận công tác nên chưa được bàn giao hồ sơ. Tôi cũng chưa 1 lần trực tiếp kiểm tra khu vực đó, do quá trình mới công tác, công việc còn nhiều nên tôi chưa sâu sát được chỗ đấy. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm tại thôn Lập Thành, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri xã cũng có nhận được, xã đã tiếp thu, tổng hợp theo kênh ý kiến cử tri và báo cáo UBND huyện. Vừa qua, UBND xã đã lập danh sách đề nghị UBND huyện kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn xã về môi trường, trong đó có các doanh nghiệp khu đồi Sò. Còn về hồ sơ thì UBND xã chỉ phối hợp với đoàn của huyện kiểm tra, cụ thể các đơn vị khu đồi Sò đã được UBND huyện xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hay chưa tôi cũng không nắm được, chuyên môn báo không được bàn giao nên cũng không thấy”.
Bà Dương Thị Thùy – Cán bộ địa chính, môi trường xã Đông Xuân cho biết: “Khu vực đồi Sò có 4 xưởng sản xuất gồm: 2 xưởng cơ khí, 1 xưởng sản xuất thức ăn chăn nuôi và 1 xưởng may do người nước ngoài làm chủ. Tôi làm ở xã Đông Xuân từ năm 2020, từ đó đến nay chỉ phối hợp với các đoàn, ngành nhỏ lẻ kiểm tra các đơn vị trên địa bàn chứ chưa có 1 cuộc kiểm tra tổng thể về hoạt động của từng cơ sở. Vì vậy, ngày 7/4/2022 UBND xã đã có công văn gửi UBND huyện về việc rà soát, đề xuất kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trên địa bàn xã Đông Xuân. Trong đó, có danh sách các công ty ở Đồi Sò gồm: Công ty cổ phần thiết bị Bách Khoa Việt Nam sản xuất hệ thống ống lọc gió, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đại Việt sản xuất thức ăn chăn nuôi ... Từ đó đến nay vẫn chưa thấy UBND huyện Quốc Oai phản hồi. Nếu chờ đoàn của huyện lâu quá không triển khai kiểm tra, tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo xã kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền”.
“Về lĩnh vực PCCC, xã Đông Xuân chỉ là phối hợp Công an huyện thôi, vừa rồi đồng chí Linh – Đội phó Đội cảnh sát PCCC Công an huyện Quốc Oai có gửi danh sách các xưởng trên đó để kiểm tra về công tác PCCC, nếu được mời UBND xã sẽ phối hợp kiểm tra”, bà Thùy thông tin.
Khi được hỏi về nguồn gốc đất khu đồi Sò, bà Thùy cho biết: “Khu vực đó là đất thổ cư, tôi không nắm được chủ đất ở khu vực đó cụ thể là ai vì chưa được bàn giao hồ sơ về các xưởng đó. Tôi chỉ nắm được thông tin, hồ sơ từ thời điểm tôi trực tiếp làm từ năm 2020 thôi”.
Nói về việc chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khu đồi Sò, bà Thùy cho biết: “Từ khi tôi làm chưa thấy hồ sơ xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường của các đơn vị này, có lẽ chưa được UBND huyện xác nhận. Ở đây họ sử dụng nước giếng khoan kết hợp với nước mặt, chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Hằng năm cũng không gửi kết quả quan trắc cho xã. Cách đây 1 tháng người dân có phản ánh công ty Đại Việt xả thải vào đầm, hồ gây ô nhiễm môi trường nhưng khi UBND xã xuống kiểm tra lại không thấy họ xả thải”.
Nhiều dấu hiệu vi phạm về môi trường, đất đai…
Ghi nhận thực tế của PV tại khu đồi Sò, các nhà xưởng được xây dựng với quy mô hàng nghìn m2, tất cả đều được dựng khung sắt thép mái tôn rất kiên cố, chắc chắn. Tại 2 xưởng sản xuất ống gió của công ty Bách Khoa không được trang bị buồng sơn, công ty vô tư mang sản phẩm ra ngoài trời sơn. Mùi sơn rất hắc, khó chịu phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm không khí thổi thằng vào khu dân cư. Tại khu vực phun sơn từ đất đai đến cỏ cây đều phủ một lớp sơn đen sì. Rác thải không được 2 xưởng này thu gom, lưu giữ mà vứt lăn lóc, lộn xộn ngoài môi trường. 02 nhà xưởng này còn đang có dấu hiệu lấn chiếm đất đồi để làm nơi tập kết, sản xuất ống gió. Cát bụi, bao tải xi măng sau khi được dùng xong cũng được công nhân tiện tay vứt ngay sườn đồi. Khi mưa cuốn theo chất thải, nước thải chảy xuống nhà dân.
Ông Phạm Ngọc Hà – Quản lý công ty Đại Việt cho biết: “Công ty chuyên sản xuất bột cá để cung cấp cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuê đất của ông Thắng trên diện tích khoảng 3000 – 5000m2. Ở đây chỉ là kho trung chuyển hàng hóa thôi chứ không sản xuất. Hồ sơ về môi trường công ty có đầy đủ cả nhưng ở văn phòng công ty ở Nguyễn Xiển. Sang tuần khi lãnh đạo đi công tác về, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo làm việc và cung cấp hồ sơ cho PV.
Theo tìm hiểu, khu vực đồi Sò, thôn Lập Thành, xã Đông Xuân không có quy hoạch khu, cụm công nghiệp, việc các đơn vị xây dựng, hoạt động ở đây nhiều năm qua có đúng với Luật đất đai? và đã được UBND huyện Quốc Oai cấp giấy phép xây dựng và các hồ sơ liên quan đến việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường?. Câu hỏi này xin gửi tới lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Quốc Oai và các phòng ban chuyên môn, lực lượng chức năng huyện cần khẩn trương tiến hành kiểm tra, nhằm xử lý triệt để những dấu hiệu vi phạm về thực hiện luật bảo vệ môi trường, đất đai, PCCC, trật tự xây dựng đối với các đơn vị trên. Ngoài ra, cần làm rõ việc sử dụng và cho thuê đất của chủ đất có đúng quy định hay không?.
* Điều 208, Luật Đất đai 2013 quy định:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
* Chỉ thị 04/CT-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội quy định:
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.
- Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.
- Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.