Quyết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Thủ tướng có công văn chỉ đạo thúc đẩy du lịch

Hạ Vy|11/04/2025 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại Công điện số 34/CĐ-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.

Đa dạng hóa để kích cầu phát triển du lịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số.

10-dlich.jpg
Trong bối cảnh việc phát triển du lịch có nhiều khởi sắc, Việt Nam dự kiến 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025. Ảnh minh họa

Năm 2025, để tăng tốc phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, góp phần tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch, chủ động triển khai Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trong đó: Chủ động đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.

Phát huy vai trò của phương tiện truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành du lịch.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan nâng cao hiệu quả liên kết xây dựng và triển khai các chương trình kích cầu du lịch gắn với các gói sản phẩm, dịch vụ và doanh nghiệp cụ thể, bảo đảm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa; hoàn thành trong tháng 5/2025.

Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, có trách nhiệm với môi trường đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các khu du lịch quốc gia, các dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm.

Phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trăng mật, du lịch golf,... Tăng cường vận động, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE). Tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí để tạo "tiếng vang" thu hút, hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Tăng cường liên kết để phát huy hiệu quả thế mạnh, lợi thế khác biệt, nổi trội của từng địa phương, từng vùng trong phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng: tăng cường kết nối sản phẩm với thị trường, chú trọng gia tăng giá trị thương hiệu sản phẩm du lịch. Thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tiêu dùng du lịch gắn với "xuất khẩu tại chỗ" các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp, công nghiệp mà Việt Nam có thế mạnh.

Ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và quản lý tài nguyên du lịch. Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách.

Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư du lịch có trách nhiệm theo hướng đầu tư xanh và bền vững, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh.

Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 5/2025…

Áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch

Thủ tướng giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch như: miễn thị thực (bao gồm cả chính sách miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các Chương trình kích cầu du lịch hoặc tham gia các sự kiện ngoại giao văn hóa theo lời mời của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.

Đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho các đối tượng đặc thù như: nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tỷ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch, triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.

Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực biên giới; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2025.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của địa phương để thực hiện các nhiệm vụ giao tại Công điện trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; hoàn thành trước ngày 15/4/2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện, tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện về du lịch, quản lý điểm đến du lịch trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng giá, chống đeo bám, lừa đảo du khách; thiết lập và công bố đường dây nóng đa ngôn ngữ để tiếp nhận và xử lý phản ánh của du khách, kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch. Các hàng ăn phải thanh toán điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nếu không thực hiện thì thu hồi giấy phép hoặc cấm kinh doanh.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Công điện này. Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trước ngày 30 tháng 4 năm 2025 về những đề nghị của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để kịp thời chỉ đạo đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và xử lý các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với mục tiêu phấn đấu đón từ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2025, có thể nói đây là mục tiêu cao nhất về đón khách quốc tế trong năm mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra từ trước đến nay.

Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam phải mở rộng các nguồn khách và đào sâu các thị trường quen thuộc, song song với việc hoàn thiện dịch vụ, quản lý điểm đến ở trong nước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quyết đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Thủ tướng có công văn chỉ đạo thúc đẩy du lịch
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.