4 mô hình điển hình áp dụng sản xuất sạch hơn của Hà Nội. Cụ thể: Tổng công ty dệt may Hà Nội đã tiết kiệm 4.275.551 kWh/năm, tiết kiệm đến 40% lượng nước sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính khoảng 4.000 tấn/năm; Công ty CP bia Sài Gòn – Hà Nội áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn giúp tiết kiệm 315.187 kWh/năm; tiết kiệm 145.774 lít dầu/năm; tiết kiệm 48.970 m3 nước/năm; Tổng công ty CP dịch cụ cơ khí xuất khẩu tiết kiệm 1.243.584 kWh/năm, giảm 30.457 m3 nước thải/năm, giảm phát thải khí nhà kính khoảng 1.500 tấn/năm; Công ty CP cao su Hà Nội tiết kiệm 1.035.000 kWh/năm, giảm than 407 tấn/năm, tiết kiệm nước 5.870 m3/năm. Đây là 4 trong rất nhiều mô hình sản xuất sạch hơn của Hà Nội.
Ảnh minh họa
Sản xuất sạch hơn (SXSH) được biết đến như một tiếp cận giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn thông qua việc sử dụng nguyên liệu và năng lượng có hiệu quả hơn, giảm tiêu thụ tài nguyên, là biện pháp hiệu quả kinh tế hơn nhiều so với các biện pháp xử lý “cuối đường ống” đắt đỏ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Hiện nay, SXSH chưa được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp. Việc tuyên truyền, phổ biến về những chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất sạch hơn chưa được sâu rộng tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ.
Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện cho việc áp dụng sản xuất sạch hơn lớn gồm cả một quá trình đầu tư từ nguyên liệu, nhiên liệu đến máy móc nên doanh nghiệp chưa mặn mà. Bộ máy làm công tác sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đều là kiêm nhiệm, để nghiên cứu sâu về sản xuất sạch hơn còn chưa được quan tâm, các đơn vị tư vấn về sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế về số lượng, việc xây dựng, hình thành mạng lưới tư vấn từ tỉnh, huyện chưa có và gặp nhiều khó khăn.
Hội nghị được triển khai nhằm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 về hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 với mục tiêu: Thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, triển khai một cách đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp đều khẳng định, Chiến lược sản xuất sạch hơn là chiến lược mà ai tham gia cũng là người chiến thắng bởi nó vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh.
Minh Anh (t/h)