Sẽ công bố danh sách người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí từ cấp trung ương đến địa phương

PV|09/08/2023 13:58
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Cục Báo chí, hiện nay đã tổng hợp được 1.040 đầu mối người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, sau khi tập hợp xong danh sách sẽ đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông, qua đó sẽ giúp các cơ quan báo chí sẽ dễ dàng tiếp cận và biết được thông tin về người phát ngôn của các địa phương.

Thông tin tại họp báo tháng 8 Bộ TT&TT, liên quan về việc triển khai Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chính sách, đại diện Cục Báo chí cho biết công việc này đã và đang được tích cực triển khai.

Theo ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT), ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07 về công tác truyền thông chính sách, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 765 ngày 28/4/2023 về chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Chia sẻ về một vài nội dung chính của chương trình này, Phó Cục trưởng Cục báo chí cho hay, Bộ TT&TT sẽ xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông thuộc các bộ, ban, ngành và địa phương, với các phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở.

ong-dang-khac-loi.jpg
Ông Đặng Khắc Lợi - Phó Cục trưởng Cục Báo chí. Ảnh: Đ.H

Bộ TT&TT sẽ xây dựng sổ tay về truyền thông chính sách, đồng thời tổ chức tập huấn cho các địa phương và cho cả phóng viên các cơ quan báo chí. Theo dự kiến, năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam khi sổ tay về truyền thông chính sách được ban hành.

Bộ TT&TT đã có Công văn số 2017 ngày 31/5/2023, gửi các bộ, ngành, địa phương, đề nghị triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 07. Trong công văn, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin về đội ngũ truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn quốc.

Theo Phó Cục trưởng Cục Báo chí, sẽ có 100% đầu mối người phát ngôn của bộ, ban, ngành Trung ương; 100% đầu mối người phát ngôn của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% đầu mối người phát ngôn của các sở, ngành thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 100% đầu mối người phát ngôn cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 100% đầu mối người phát ngôn ở cấp xã, phường, thị trấn.

“Theo thống kê của Cục Báo chí, hiện có 12.542 người phát ngôn từ cấp xã, phường, thị trấn cho đến cấp Trung ương. Cục Báo chí đã tổng hợp được 1.040 đầu mối người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Đặng Khắc Lợi nói.

Khi tập hợp xong danh sách người phát ngôn, Cục Báo chí sẽ đưa danh sách này lên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT. Từ đó, các cơ quan báo chí sẽ dễ dàng tiếp cận và biết được thông tin về người phát ngôn của các địa phương, thậm chí xuống tận tuyến xã.

Chia sẻ thêm, ông Lợi cũng cho hay, Bộ TT&TT đang bàn việc sẽ xây dựng một phần mềm hoặc một phương thức để cập nhật nhanh mỗi khi có sự thay đổi về người phát ngôn của các bộ, ngành, địa phương.

Tại buổi họp báo, một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực Phát thanh, truyền hình, Công nghiệp ICT, Chuyển đổi số cũng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực tiếp trả lời và giải đáp.

Bài liên quan
  • Xu thế tất yếu của báo chí trong dòng chảy chuyển đổi số
    Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong báo chí nói riêng là hoạt động mới và khó. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí thực hiện chuyển đổi số là xu thế tất yếu bởi độc giả không chỉ có nhu cầu tiếp cận nhiều thông tin hơn mà còn cần nhanh, chủ động, tăng tiện ích, tăng trải nghiệm, cạnh tranh được với mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ công bố danh sách người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí từ cấp trung ương đến địa phương